Chứng khoán ngày 19/5: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 19/5.

Khuyến nghị mua LPB với giá mục tiêu 24.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Điều chỉnh giảm giá mục tiêu 2,0% xuống 24.000 đồng/cổ phiếu nhưng nâng khuyến nghị đối với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) từ KHẢ QUAN lên MUA khi giá cổ phiếu đã giảm khoảng 40% trong 3 tháng qua.

Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu đến từ (1) tổng LNST dự báo giai đoạn 2022-2026 giảm 1,2% và (2) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu từ 1,42 lần xuống 1,34 lần, được bù đắp một phần bởi hiệu ứng tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu đến giữa năm 2023.

Nâng dự phóng LNST năm 2022 lên 6,3%, chủ yếu nhờ thu nhập từ lãi (NII) tăng 3,3% sau giả định NIM cao hơn, được bù đắp một phần bởi thu nhập phí ròng (NFI) giảm 4,7% (bao gồm lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối) khi VCSC thận trọng hơn trong dự báo phí bancasurrance do cạnh tranh cao hơn trong phân khúc này.

Điều chỉnh giả định huy động vốn từ NĐT thông qua phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu (tương đương 5,11% cổ phần sau phát hành) lên 83 triệu cổ phiếu (tương đương 5,28% cổ phần sau phát hành) theo kế hoạch mới nhất của LPB được công bố tại ĐHCĐ gần đây của ngân hàng. Giả định cho giá phát hành riêng lẻ là 22.000 đồng/cổ phiếu.

Duy trì giả định rằng LPB sẽ tham gia một hợp đồng bancassurance độc quyền mới vào giữa năm 2022 sau khi hợp đồng 5 năm với Dai-ichi Life hết hạn vào tháng 5/2022.

Giả định về khoản phí ứng trước mới mà LPB có thể nhận được vẫn ở mức 1,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, VCSC giả định rằng LPB sẽ nhận và ghi nhận 50% phí ứng trước từ hợp đồng bancassurance độc quyền mới vào năm 2022 và phần còn lại vào năm 2023.

 Yếu tố hỗ trợ: Phí ứng trước cao hơn dự kiến nhận được từ hợp đồng bancasurrance độc quyền mới.

Rủi ro: (1) LPB không huy động được vốn cổ phần mới thông qua các đợt chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài vào năm 2022; (2) LPB không ký được hợp đồng bancassurance mới vào giữa năm 2022 để thay thế hợp đồng với Dai-ichi Life; (3) các PTO được nâng cấp không mang lại doanh thu cần thiết như kỳ vọng.

Chung khoan ngay 19/5: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 Chọn cổ phiếu nào phiên 19/5?

Khuyến nghị mua NKG với giá mục tiêu 41.600 đồng/cp

CTCK MB (MBS): Lãi ròng quý I/2022 của CTCP Thép Nam Kim (NKG) tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ (i) giá bán thép xây dựng tăng, và (ii) hoàn nhập 300 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Biên lợi nhuận gộp đạt 13,4% trong quý I/2022, cao hơn mức 12,6% cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ trong kỳ đạt 214.000 tấn, tăng 28,7%.

Lượng hàng tồn kho tính đến 31/3/2022 đạt khoảng 8.500 tỷ đồng & có thể đáp ứng nhu cầu bán hàng 1 quý. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp quý II có thể sẽ giảm khá so với mức 18,6% trong quý II/2021 trước diễn biến giảm giá các sản phẩm thép từ đầu tháng 4.

Công suất tăng 100% khi nhà máy mới hoạt động. NKG lên kế hoạch xây dựng Nhà máy tôn Nam Kim Phú Mỹ với quy mô 33ha & tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng. Nhà máy mới vận hành sẽ giúp công suất của NKG tăng từ 1,2 triệu tấn/năm hiện tại lên 2,4 triệu tấn/năm từ năm 2027, tạo tiền đề tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.

MB duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NKG với giá mục tiêu điều chỉnh 41.600 đồng/CP trước những biến động khó dự đoán của thị trường thép thế giới và trong nước.

MB đánh giá hiệu quả kinh doanh của NKG sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai trong bối cảnh (i) nhu cầu thép toàn cầu được dự báo duy trì tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2022 – 2023, trong khi (ii) nguồn cung thắt chặt bởi chính sách hạn chế khí thải, (iii) tạo động lực đẩy mạnh mảng xuất khẩu thép của NKG, bên cạnh (iv) năng lực sản xuất tăng gấp đôi khi doanh nghiệp đưa nhà máy Phú Mỹ vào hoạt động.

Khuyến nghị mua GMD với giá mục tiêu 62.600 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC)Nâng khuyến nghị đối với CTCP Gemadept (GMD) từ KHẢ QUAN lên MUA và tăng giá mục tiêu thêm 9,1% lên 62.600 đồng/cổ phiếu.

Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu đến từ (1) hiệu ứng tích cực từ việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2023 so với trước đó là cuối năm 2022 và (2) giả định công suất cao hơn cho cảng nước sâu Gemalink Giai đoạn 2 theo kế hoạch công suất mới của ban lãnh đạo.

Những yếu tố này bị ảnh hưởng một phần bởi tác động pha loãng từ đợt phát hành quyền sắp tới gồm tổng cộng khoảng 100,5 triệu cổ phiếu với giá phát hành 20.000 đồng/cổ phiếu, đã được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ của công ty diễn ra vào ngày 25/4/2022.

Nhìn chung giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cho năm 2022 và nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS cho giai đoạn 2023-2024 thêm 4,3% nhờ tỷ lệ đòn bẩy của GMD giảm sau khi công ty thực hiện phát hành quyền cũng như tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2025-2030 thêm 13%, chủ yếu phản ánh giả định công suất cao hơn cho Giai đoạn 2 của Gemalink.

Trong năm 2022, VCSC dự báo doanh thu đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+8,3% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 790 tỷ đồng (+29% YoY). Giả định lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm 2022 chủ yếu nhờ đóng góp lợi nhuận cả năm từ Gemalink.

VCSC lưu ý rằng Gemalink được ghi nhận là công ty liên kết của GMD dù GMD sở hữu 65% cổ phần của Gemalink. Do đó, dự báo doanh thu tăng trưởng 1 chữ số của chúng tôi cho năm 2022 không bao gồm đóng góp doanh thu từ Gemalink trong năm.

Kỳ vọng GMD sẽ hưởng lợi chính từ hoạt động sản xuất đang gia tăng tại Việt Nam. Mặc dù GMD được giao dịch với định giá cao hơn so với trung vị của các công ty cùng ngành, công ty vận hành cảng này có kế hoạch mở rộng công suất lớn và tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong 3 năm tới nhờ Gemalink.

Rủi ro theo quan điểm của VCSC: Tăng trưởng sản lượng và/hoặc cước phí thấp hơn; mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam phát triển chậm hơn.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN