Chứng khoán 2019: Khó khăn chạm mốc 1.000, thông qua Luật sửa đổi sau thập kỷ đợi chờ

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 thực sự khá khó khăn, song việc thông qua bộ Luật sửa đổi sau hơn 10 năm là một dấu ấn lớn.
 

“Năm 2019 là một năm khó của ngành chứng khoán của Việt Nam, chỉ số VN-Index từ đầu năm cho đến hiện tại cũng xoay quanh 950 điểm, sự bứt phá của thị trường bị hạn chế” - Ông Trần Quang Vũ - công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chi nhánh TP. HCM đưa ra nhận định chung về thị trường chứng khoán.

Chung khoan 2019: Kho khan cham moc 1.000, thong qua Luat sua doi sau thap ky doi cho
 Năm 2019 là một năm khó của ngành chứng khoán của Việt Nam.
Mở cửa đầu năm 2019, VN-Index giao dịch quanh mốc 900 điểm, chỉ số này duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ đến giữa tháng 3, đạt mức cao nhất ở 1.004 điểm. Tuy nhiên, thị trường điều chỉnh trở lại và dưới mốc tâm lý 1.000 điểm trong suốt 7 tháng sau.

Bắt đầu từ giữa tháng 10, đợt sóng chính thức diễn ra đẩy chỉ số VN-Index tăng nhanh lên mức cao nhất gần 1.030 điểm vào đầu tháng 11, niềm vui chẳng được bao lâu, chỉ số VN-Index sau đó bất ngờ lao dốc mạnh mẽ, về tận vùng 950 điểm vào giữa tháng 12.

Những phiên giao dich cuối của năm, VN-Index cũng ở trong vùng quanh 965 điểm, tăng 65 điểm so với hồi đầu năm.

Năm 2019 là năm tạo sóng của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Sóng cổ phiếu nhóm này bắt đầu xuất hiện từ quý 2 đến quý 3 do kỳ vọng được hưởng lợi lớn trước dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh rủi ro chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh sau đó cũng mạnh mẽ không kém khi nhiều cổ phiếu rớt về mức giá cũ, khiến nhiều nhà đầu tư gánh chịu khoản thiệt hại không nhỏ vì trót đu theo ngay tại đỉnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tốt so với thị trường chung trong năm 2019, khi lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh, cùng với các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, đón nhận dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ cổ đông chiến lược, đối tác nước ngoài, giúp cổ phiếu các ngân hàng như Vietcombank, BIDV trở thành điểm sáng của thị trường và là đầu tàu quan trọng thuộc nhóm VN30 kéo thị trường chung đi lên.

Đáng buồn trong năm là đà giảm của nhóm cổ phiếu chứng khoán, nguyên nhân do thị trường chung diễn biến tiêu cực, giá trị giao dịch giảm ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của nhóm này, cũng như trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt khi một số công ty chứng khoán thi nhau giảm phí giao dịch, thậm chí miễn phí trọn đời.

Nhìn lại năm 2019, khá nhiều sự kiện đã diễn ra với những mặt tích cực lẫn tiêu cực đan xen nhau. Nổi bật nhất đó không thể không kể đến sự kiện Luật Chứng khoán (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 26/11.

Qua đó, Luật đã đặt ra những tiêu chí cao hơn cho các thành viên tham gia thị trường như nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng, làm rõ điều kiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán thêm ra công chúng.

Đồng thời khuyến khích nâng cao chất lượng quản trị của công ty, tăng mức phạt trong trường hợp vi phạm hành chính hay hướng tới Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất tại Việt Nam.

Nhìn chung, Luật đã tiếp cận chuẩn mực thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam; đồng thời khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán cũ sau hơn 10 năm thi hành.

Chung khoan 2019: Kho khan cham moc 1.000, thong qua Luat sua doi sau thap ky doi cho-Hinh-2
 Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được thông qua.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đón chào thêm sản phẩm phái sinh Chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) vào ngày 28/6. Qua đó, việc đưa CW vào giao dịch giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư cũng như tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro; tăng sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.

Tuy nhiên, sau nửa năm vận hành, thị trường CW đã hạ nhiệt đáng kể; dù số lượng đăng ký chào bán cũng như niêm yết ngày càng tăng, thanh khoản CW mỗi phiên chỉ tầm 7 tỷ đồng, chưa đạt tới 3% vốn hóa thị trường.

Tiêu điểm trong năm 2019 còn kể đến những mã cổ phiếu nằm sàn cả chục đến vài chục phiên khiến nhà đầu tư điêu đứng.  

Ảnh hưởng của “sự cố” vận hành liên quan đến YouTube đã khiến Yeah1 (YEG) phải trả giá rất đắt, không chỉ giá trị Công ty bị giảm sút mà kết quả kinh doanh cũng bị tác động vô cùng tiêu cực.

Nhưng sau thời gian vật lộn với những khó khăn, cổ phiếu YEG đang dò đáy tại vùng giá 37.000 đồng/cp, giảm 90% với đỉnh (343.000 đồng/cp ngày 28/6/2019). Vốn hóa của Yeah1 hiện nay chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng.

Ở thời kỳ đỉnh cao của cổ phiếu YEG, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 từng là một trong những đại gia trẻ sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, vượt qua các tên tuổi lớn như ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT hay ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá trị tài sản trên sàn của ông Tống chỉ còn hơn 115 tỷ đồng.

Một sự kiện cũng khá nổi cộm trong năm 2019 là pha “đổ đèo” ngoạn mục của cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HoSE: FTM) khi giảm sàn 30 phiên liên tiếp, thị giá bốc hơi gần 90% chỉ trong 1 tháng. Đáng chú ý hơn, 11 công ty chứng khoán là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất trong sự việc này với tổng giá trị thiệt hại ước tính lên tới 200 tỷ đồng.

Qua đó, sự việc trên đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của thị trường cũng như dư luận. Để làm sáng tỏ vụ việc, ngày 19/9 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE và các đơn vị chức năng liên quan đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin; tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có kết luận chính thức.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN