Hé lộ nguyên nhân Đạm Cà Mau đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 giảm tới 83%

Từ đầu năm 2019, Đạm Cà mau phải đối mặt với việc không còn hưởng cơ chế giá khí đảm bảo Lợi nhuận/Vốn đạt 12% mà bắt đầu chịu giá khí thị trường.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) thông qua kế hoạch năm 2020 với tổng doanh thu hợp nhất 7.956 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 57 tỷ (giảm 83% ước năm 2019) và gần 52 tỷ đồng.

Về lợi nhuận riêng công ty mẹ, tổng doanh thu là 7.823 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế là hơn 50 tỷ đồng. Trong năm 2020, DCM dự kiến chi 183,6 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản, trang thiết bị.

Về cổ tức, do kế hoạch lợi nhuận 2020 thấp nên Công ty không đủ để chia cổ tức, tuy nhiên tỷ lệ chia cổ tức phụ thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế và sẽ được quyết định bởi cổ đông.

Chỉ tiêu này của Đạm Cà Mau xây dựng dựa trên giá dầu tạm tính là 60 USD/thùng với công thức giá khí là 46%FO+tariff.

Về kế hoạch sản lượng sản xuất Đạm Cà Mau là 800,91 ngàn tấn, NPK là 160 ngàn tấn. Còn sản lượng kinh doanh Đạm Cà Mau là 693,24 ngàn tấn, NPK 160 ngàn tấn, phân bón tự doanh 185 ngàn tấn, N46.Plus ở mức 45 ngàn tấn.

Cũng theo Đạm Cà Mau, kế hoạch sản xuất được xây dựng theo phương án cấp đủ khí PM3-Caa đảm bảo cho nhà máy Đạm Cà Mau vận hành 100% công suất thiết kế.

Kế hoạch năm 2020 của Đạm Cà Mau đưa ra thấp hơn rất nhiều so với ước thực hiện trong năm 2019. Cụ thể, năm 2019, Đạm Cà Mau sản xuất duy trì ở mức 110% công suất và là năm đầu tiên đạt 864.000 tấn, về đích trước 36 ngày.

Doanh thu kết năm đạt 7.054 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 339 tỷ đồng. Hơn 1 triệu tấn sản phẩm được tiêu thụ, cán mốc 6 triệu tấn sau 8 năm vận hành.

He lo nguyen nhan Dam Ca Mau dat ke hoach loi nhuan nam 2020 giam toi 83%
 

Bên cạnh giữ vững 60% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau tiếp tục nâng dần thị phần ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia và từng bước tham gia thị trường quốc tế với việc xuất khẩu 75.000 tấn vào các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Theo Đạm Cà Mau, từ đầu năm 2019, công ty phải đối mặt với việc không còn hưởng cơ chế giá khí đảm bảo Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu đạt 12% như các năm qua mà bắt đầu chịu giá khí thị trường (0,46HSFO+Tariff) điều này làm tăng chi phí mua khí, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm khả năng cạnh tranh với các đơn vị sản xuất phân đạm khác trong nước và cả khu vực.

Thêm vào đó là sự ảnh hưởng của thời tiết bất lợi và giá nông sản xuống thấp làm nhu cầu sụt giảm, thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt hơn.

Những yếu tố này đã được Đạm Cà Mau tính toán cân nhắc và dự phòng bằng việc đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức khiêm tốn trong năm 2020.

Theo đó, nếu xét trong bối cảnh của bức tranh nông nghiệp Việt Nam hiện tại, việc tiếp tục tăng 10% doanh thu so với 2019 lên gần 8.000 tỷ đồng, sản lượng kinh doanh hơn 1 triệu tấn phân bón và đưa vào vận hành nhà máy NPK Cà Mau trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt sẽ là mục tiêu khá thách thức của Đạm Cà Mau.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN