Cảnh báo "khuất mắt trông coi" với vó bò bẩn tẩy trắng bằng hóa chất

Vì lợi nhuận các gian thương vẫn cố tình thu mua vó bò thối về ngâm vào dung dịch có chứa hóa chất để tẩy trắng, bắt mắt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vẫn bình thản khuất mắt trông coi
Để tìm hiểu con đường đi của vó bò bẩn, phóng viên đã vào cuộc điều tra, tìm hiểu con đường đến miệng người ăn.
Khi phóng viên có mặt tại một quán nhậu T.Y trên đường Lê Văn Lương, rất đông thực khách vẫn vô tư ăn nội tạng, trong đó có món vó bò vốn được ưu thích. Tất cả thực khách đều biết thời gian qua các cơ quan chức năng bắt nhiều vụ nội tạng thối được tẩy trắng, làm tươi mới bằng hóa chất những vẫn là lý luận khuất mắt trông coi, nhấm mắ bịt tai mà ăn nhậu.
Theo anh Lê Viết Trung (ở Xuân Thủy), vốn là dân nhậu ở quán T.Y cho biết: “Tôi và mấy thằng bạn nghiện món vó bò này ra trò. Khi nào nhậu cũng phải gọi 1,2 đĩa ăn cho bõ thèm. Nhưng từ khi biết vó bò “bẩn” bị bắt liên tiếp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tôi không ăn nữa. Nghe nói nó sẽ được sơ chế cho trắng tinh, nghe đã thấy sợ. Tôi cũng khuyên mấy thằng bạn từ bỏ món khoái khẩu nhưng tụi nó vẫy tay gạt đi và nói bất cần rằng: Giờ ăn gì mà chả chết, cứ ăn sướng cái thân lúc đó đi đã, lo sợ lắm mà làm gì. Nói vậy nên tôi cũng kệ luôn, không đả động đến nữa”.
Món vó bò được dân nhậu rất ưa thích. 
Cũng theo anh Trung cho biết, dù thông tin vó bò "thối" được làm sạch từ hóa chất lan tỏa nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn ung dung thưởng thức món đặc sản này. Vì giá của một đĩa vó bò có giá khá bình dân từ 120.000đ/đĩa đến 200.000đ/đĩa, ngon mà vừa hợp túi tiền đa số người dân nhậu.
Chia sẻ về việc đã đọc được thông tin bắt giữ gần 4 tấn vó bò bốc mùi, anh Nguyễn Quang Thụy (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Nói chung là mình có nghe nói là vó bò bẩn, bốc mùi nhưng cụ thể như thế nào có khi mình phải tận mắt chứng kiến thì mới ngấm vào đầu được, còn cứ ngồi nghe xuông thì không thể khiến tôi từ bỏ món mồi hấp dẫn như vậy. Mà đã nhậu nhẹt thì ăn uống gì cũng là phụ thôi, khi chén chú chén anh rồi thì bẩn sạch cũng như nhau hết”.
Chưa hết kinh hoàng khi nhập viện đúng dịp nghỉ lễ, chị Thanh Xuân (ngân hàng ACB) chia sẻ: “Dịp lễ mình chẳng đi đâu nên hẹn tụi bạn ra quán ăn nhậu đỡ buồn. Mình gọi khá nhiều món, ngoài vó bò còn có xách bò, lẩu đuôi bò… tuy nhiên hôm đó ăn cảm thấy da bở bở, không dai dai, sật sật như vẫn thường hay ăn. Mình “xấu bụng” nên không dám ăn nhiều, tuy nhiên vẫn không thoát được, về nhà đau bụng dữ dội đành để người nhà chở vào viện thì bác sĩ khám và kết luận ngộ độc thực phẩm. Bạn mình cũng bị đau bụng nhưng nhẹ hơn. Tới giờ mình vẫn còn hãi và chưa dám ăn lại những món ăn nhậu này dù đi cùng bạn bè họ vẫn ăn bình thường”.
Dễ dàng viêm loét dạ dày với nhiều hóa chất tẩy
Cũng theo tìm hiểu, vì lợi nhuận các gian thương vẫn cố tình thu mua vó bò thối về ngâm vào dung dịch có chứa hóa chất để tẩy trắng, bắt mắt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Phùng Văn Trung (Viện Công nghệ hoá học) cho biết: “Các hoá chất được người kinh doanh sử dụng như Hydrogen Peroxide, Magnesium Sunlfate hay Sulfur Dioxide và Psychotrine... đều là hoá chất công nghiệp cấm sử dụng trong thực phẩm bởi nó gây ra những hậu quả khôn lường cho sức khoẻ con người”.
Cũng theo một số chuyên gia y tế cảnh báo, đối với đồ ăn đã dùng đến hóa chất là không tốt, nhất là với lưu huỳnh và axit phôtphoric. Về tính chất hóa học, lưu huỳnh có tác dụng tẩy trắng, nhưng việc sử dụng lưu huỳnh để tẩy trắng phải có quy trình công nghệ và phải có sự kiểm soát. Với cơ thể người, Hydrogen Peroxide có thể gây viêm loét dạ dày, loét giác mạc, thậm chí gây ung thư nếu tích tụ lâu dài. Tốt nhất để an toàn người tiêu dùng nên mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, nếu thấy thực phẩm tươi ngon bất thường thì nên đề cao cảnh giác.
Đáng chú ý là hiện tại nhiều thực khách vẫn ưa thích món vó bò cho dù đã nhận được nhiều thông tin về việc vó bò có thể không an toàn. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, tìm hiểu và kiểm nghiệm cho người tiêu dùng kết quả về độ an toàn của loại thực phẩm này. Tránh tình trạng ăn bừa, gây nguy hại không đáng có cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng trả lời phóng viên, Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, với thịt bị ôi thiu sẽ được các gian thương mua về, rửa sạch, dùng hoá chất để tẩy rửa. Những hoá chất này sau mỗi lần ăn nhậu tích tụ dần trong cơ thể dân nhậu, tới lúc đủ sẽ tàn phá cơ quan phủ tạng.
Đặc biệt là các kim loại nặng có trong hoá chất sẽ tồn lưu, di chuyển, lắng đọng lại ở những cơ quan đại thể của người ăn phải. Chưa kể những thực phẩm đó còn có nấm mốc, dù tẩy rửa, nướng lên cũng không hết. Nấm mốc sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin, gây bệnh ung thư.
“Do tính chất thời gian, kinh tế, các quán nhậu không thể đầu tư chế biến thức ăn như ở gia đình được. Làm như vậy họ sẽ lỗ vốn. Còn dân nhậu Việt Nam lại chẳng mấy quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng mà chỉ cốt sao cho rẻ và vừa miệng”, Bác sĩ Ký cho hay.
Nội tạng “ngậm” hóa chất nhiễm khuẩn, dân nhậu vẫn khen ngon
Để lý giải nguy cơ hiểm họa từ nội tạng bẩn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bà Lê Bạch Mai (Viện dinh dưỡng quốc gia). Bà Mai khuyến cáo người dân cần phải nhận thức rằng các thành phần dinh dưỡng của bộ phận nội tạng động vật chỉ cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cho người ăn khi nó tuyệt đối an toàn.
Bảo đảm an toàn vệ sinh bao gồm nguồn gốc xuất xứ của nội tạng từ con vật khỏe mạnh, được nuôi dưỡng theo đúng quy trình thực hành chăn nuôi tốt, thực hành thú y tốt (GVP) và đảm bảo quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản lưu thông đến tay người tiêu dùng đều phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Các bộ phận nội tạng của động vật có nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng bởi vì nó giàu chất dinh dưỡng nhưng dễ bị nhiểm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... phát triển trong quá trình giết mổ, vận chuyển, lưu thông & chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Cũng như các thực phẩm nguồn gốc động vật khác, chất lượng VSATTP nội tạng của động vật dùng để ăn phụ thuộc vào chất lượng thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh, chữa bệnh... của con vật đó trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, lưu thông và chế biến tiêu dùng.
Nếu một trong các khâu đó không an toàn như thức ăn chăn nuôi nhiễm hóa chất cao: thuốc trừ sâu, chì, cadimi, asen...hoặc không tuân thủ liệu trình chữa bệnh như dùng quá nhiều kháng sinh, thuốc tẩy giun sán... sẽ để lại dư lượng hóa chất, thuốc thú y cao trong thực phẩm. đặc biệt ở các nội tạng động vật: Gan, thận, dạ dày, ruột non, ruột già...là nơi tiêu hóa thức ăn và chứa đựng căn bã thức ăn, vì vậy sẽ không an toàn cho người tiêu thụ” – Bà Mai cho biết
Các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn,virut, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người. Ăn óc bò không rõ nguồn gốc, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò “bệnh bò điên” (bovine spongiform encephalopathy).
Gan động vật chăn nuôi không vệ sinh (do ăn thức ăn chăn nuôi nhiễm nấm mốc) nguy cơ ô nhiễm độc tố vi nấm Aflatoxin cao - chất có khả năng gây ung thư gan ở người. Nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng ... chưa được nấu chín thì liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.
Cũng theo bà Mai, ở Việt Nam, trên 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lòng lợn. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli & các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn..cho người khi ăn phải lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hoặc ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến.
Nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu..., các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe & nặng hơn có thể tử vong.
Thực tế, ở Việt Nam nước ta, khi các điều kiện đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ, bảo quản lưu thông... còn chưa đầy đủ, hơn nữa các nội tạng trên thị trường hầu hết không có nguồn gốc/địa chỉ tin cậy đồng thời kiến thức thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân còn nhiều hạn chế thì người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiêu thụ chúng.
Theo Tố Như/Giadinhvaphapluat

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN