Các kịch bản giá dầu và ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngành Dầu khí

Lợi nhuận các doanh nghiệp Dầu khí trong 9 tháng đầu năm 2023 có sự phân hóa do ảnh hưởng của giá dầu.
Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo phân tích ngành Dầu khí với nhận định có nhiều triển vọng trong năm 2024. 
Cung cầu của thị trường dầu mỏ đang biến động
Theo Mirae Asset, nguồn cung dầu năm 2023 liên tiếp ghi nhận các thông tin về cắt giảm sản lượng đến từ nhóm OPEC+, cụ thể là 2 lần cắt giảm sản lượng của khối này vào tháng 2 và tháng 9 năm nay. Cuộc chiến giữa Israel và Palestine cũng tạo nên lo ngại về nguồn cung khu vực Trung Đông bị thu hẹp.
Theo IEA, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2023 chịu ảnh hưởng lớn từ việc gia tăng nhu cầu của các quốc gia khu vực Đông Á, trong đó lớn nhất là sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc giai đoạn mở cửa sau Covid. Tuy nhiên đến hiện tại đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc đã chậm hơn các dự báo, rủi ro nhu cầu tiêu thụ của quốc gia này sẽ thấp hơn kì vọng trước đó.
Mirae Asset nhận thấy cả yếu tố cung và cầu hiện nay đều đang trong trạng thái biến động, tuy nhiên yếu tố cắt giảm nguồn cung là hiện hữu nên kì vọng giá dầu sẽ khó chịu áp lực giảm mạnh.
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm có sự phân hóa do ảnh hưởng giá dầu
Việt Nam trở thành nước nhập siêu dầu thô từ năm 2018. Do đó, giá xăng tăng gây áp lực trực tiếp và gián tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng, gây ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định vĩ mô giai đoạn cuối năm.
Theo Mirae Asset, nếu giá dầu ở mức 70-80 USD/thùng sẽ giúp kiểm soát tốt CPI. Tuy nhiên khâu Hạ nguồn chịu ảnh hưởng tiêu cực, các dự án Thượng nguồn sẽ triển khai theo kế hoạch, còn Trung nguồn ít chịu ảnh hưởng ngắn hạn, Trung hạ giá vận tải có thể giảm tuy nhiên độ nhạy với giá dầu là không lớn.
Còn nếu giá dầu từ 80-90 USD/thùng sẽ ảnh hưởng không lớn đến CPI. Còn với các dự án Thượng nguồn vẫn sẽ triển khai theo kế hoạch, Trung nguồn khả quan khi giá cước vận tải hiện đang ở mức cao, còn khâu Hạ nguồn ổn định trong quý 4/2023.
Với giá dầu 90-100 USD/thùng sẽ kéo theo việc điều chỉnh giá xăng, nhưng sẽ khả quan cho toàn bộ các khâu trong ngành Dầu khí.
Với kịch bản giá dầu trên 100 USD/thùng sẽ tạo áp lực lạm phát, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Còn Hạ nguồn sẽ hưởng lợi lớn nhất về mặt lợi nhuận. Rủi ro thị trường cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ vĩ mô nhiều khả năng sẽ làm cổ phiếu Dầu khí giảm.
Cac kich ban gia dau va anh huong den doanh nghiep nganh Dau khi-Hinh-4
Các kịch bản giá dầu Brent và ảnh hưởng đến vĩ mô Việt Nam cùng ngành Dầu khí 
Trong khi đó, lợi nhuận các doanh nghiệp Dầu khí trong 9 tháng đầu năm 2023 có sự phân hóa do ảnh hưởng của giá dầu.
Nhóm Thượng nguồn và Trung nguồn ít chịu ảnh hưởng bởi biến động giá dầu hầu hết các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận khả quan, tăng trưởng mạnh so với cùng kì năm 2023. Đáng chú ý một số doanh nghiệp như PVD và PVC ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 353% và 1.294%.
Đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động giá dầu như GAS và BSR, lợi nhuận 9 tháng 2023 kém khả quân hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên là do cùng kỳ năm trước các doanh nghiệp này lần lượt ghi nhận các mức lợi nhuận kỷ lục do yếu tố biến động bất thường của giá dầu.
Một số doanh nghiệp Hạ nguồn khác như PLX và OIL do tính chất trung gian Phân phối và Thương mại nên giá dầu năm nay ít biến động hơn đã giúp lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện.
Cac kich ban gia dau va anh huong den doanh nghiep nganh Dau khi-Hinh-5
 Doanh nghiệp ngành Dầu khí thường có bảng cân đối vững mạnh
CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR): Lợi nhuận có độ nhạy cao với giá dầu
BSR là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. Công ty hiện chiếm khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam.
Là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh độ nhạy cao với giá dầu. Kết quả kinh doanh của BSR có độ nhạy cao với giá dầu do 2 yếu tố: (1) Tồn kho chủ yếu là dầu thô, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng đến tồn kho của công ty; (2) Giá dầu biến động thường ảnh hưởng đến giá thành phẩm của công ty (xăng, sản phẩm hóa dầu). Do đó khi giá dầu tăng BSR cũng sẽ ghi nhận lợi nhuận khả quan và ngược lại.
Kết quả kinh doanh quý 3 khả quan, vươn lên mức cao thứ 2 trong lịch sử. Trong Q3/2023 BSR ghi nhận doanh thu thuần đạt 37.755 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn giúp lợi nhuận gộp gấp 5,8 lần lên 3.830 tỷ đồng. Kết quả, BSR ghi nhận 3.260 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ, đây cũng là mức LNST cao thứ 2 từ trước đến nay. Lũy kế 9 tháng, BSR ghi nhận doanh thu 105.490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông ty mẹ là 6.232 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BSR tại ngày 30/9 đạt 88.917 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền gửi và tiền mặt của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, ở mức 36.496 tỷ đồng, tăng hơn 12.000 tỷ đồng sau 9 tháng và tăng hơn 7.000 tỷ đồng sau một quý. Tổng nợ vay tài chính của BSR ở mức 9.052 tỷ đồng với toàn bộ là nợ vay ngắn hạn, vốn chủ sở hữu đạt 54.967 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay/ vốn ở mức 16,5%.
Nếu giá dầu không bất ngờ giảm mạnh, lợi nhuận BSR sẽ tiếp tục khả quan trong Quý 4. Mirae Asset kỳ vọng hoạt động kinh doanh của BSR tiếp tục khả quan trong Q4/2023 do các yếu tố sau: (1) Chênh lệch giữa giá xăng 95 và dầu brent hiện duy trì mức 27 USD/ thùng, mức tương đối cao trong 3 năm qua; (2) Giá dầu Brent không xảy ra diễn biến giảm mạnh về dưới 80 USD/ thùng (mức trung bình trong Q3/2023 là 85 USD/ thùng). Trong điều kiện trên, chúng tôi dự báo BSR có thể ghi nhận 42.000 tỷ đồng doanh thu và 1.800 tỷ đồng LNST trong Q3/2023, lũy kế cả năm đạt 147.000 tỷ đồng doanh thu và LNST ước đạt 8.000 tỷ đồng.
Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT): Triển vọng năm 2024 được dự báo khả quan
PVTrans là công ty con của PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và được thành lập năm 2002. PVTrans là doanh nghiệp vận tải biển có đội tàu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đến thời điểm tháng 9/2023, công ty sở hữu và quản lý gồm 48 chiếc, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, tàu dầu/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời với tổng trọng tải đội tàu trên 1,2 triệu DWT với hơn 85% đội tàu đang phục vụ thị trường quốc tế.
Kết quả kinh 9 tháng đầu năm khả quan. Kết thúc quý 3, PVT ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 2.551 tỷ đồng (+9,48% so cùng kỳ) và 249 tỷ đồng (-7,8% so cùng kỳ). Lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ do năm ngoái ghi nhận lãi đột biến từ thanh lý tàu PVT Athena khoảng 211 tỷ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận mức LN ròng đạt 743 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ.
Biên lãi gộp duy trì mức cao nhất lịch sử. Biên lãi gộp từ hoạt động kinh doanh của PVT trong Q3/2023 đạt 20,2%, so với giai đoạn trước thì mức lãi gộp này chỉ thấp hơn Q2/2023 là 22,82% cũng là mức cao nhất lịch sử. Biên lãi gộp tăng cao là do các hợp đồng cho thuê định hạn của PVT tái ký trong bối cảnh giá cươc vận tải dầu và khí đang đạt mức cao trong năm 2023.
Do đặc thù kinh doanh, chúng tôi nhận thấy doanh thu của PVT thường tập trung trong giai đoạn nửa cuối năm. Với nhận định trên Mirae Asset kì vọng KQKD Q4/2023 của PVT sẽ ghi nhận mức lãi ròng khoảng 270 tỷ đồng, theo đó tổng LNST cả năm ước đạt 1.013 tỷ đồng.
Triển vọng năm 2023-24 được dự báo tiếp tục khả quan. Giá thuê định hạn tàu chở dầu toàn cầu được dự báo sẽ neo ở mức cao do các yếu tố sau: Theo dự báo của Bimco, sản lượng dầu vận tải dự kiến tăng 4% và quãng đường vận tải tăng 6% (do ảnh hưởng từ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng nên chặng đường vận tải sẽ dài hơn); Banchero costa ước tính năm 2024 số lượng tàu dầu bàn giao là 16 chiếc, tổng tải trọng 2,5 triệu DWT, trong khi đó số lượng tàu bị loại bỏ là 46 chiếu với tổng tải trọng là 8,2 triệu DWT. Thời gian đóng mới 1 tàu dầu ước tính vào khoảng 9 – 15 tháng.
Với các yếu tố trên, Mirae Asset kỳ vọng PVT sẽ tiếp tục ký được mức giá cao hơn khi gia hạn hợp đồng cho thuê tàu trong năm 2024, tạo triển vọng khả quan cho công ty.
Cac kich ban gia dau va anh huong den doanh nghiep nganh Dau khi-Hinh-6
 Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm có sự phân hóa do ảnh hưởng giá dầu
Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD): Điều chỉnh giảm lợi nhuận năm 2023
PVD công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần tăng 11% soo cùng kỳ và giảm 2,1% so với quý trước, LNST ghi nhận kết quả đột phá khi chuyển từ lỗ -52 tỷ đồng sang +133 tỷ đồng trong Q3/2023, lần lượt hoàn thành 74% và 343% kế hoạch doanh thu và LNST năm 2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, PVD đạt 381 tỷ đồng lãi ròng. Đáng chú ý công ty ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên đến 71 tỷ đồng trong Q3/2023, chiếm hơn 50% tổng mức lỗ tỷ giá trong 9 tháng đầu năm.
Kết quả kinh doanh Q4/2023 được dự báo sẽ có mức lãi ròng thấp hơn Q2 và Q3 do 2 yếu tố sau: (1) PVD sẽ không còn khoản lợi nhuận khác từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng; (2) Hầu hết các giàn của PVD sẽ hoạt động ở nước ngoài do đó doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan sẽ giảm. Bù lại nhiều khả năng PVD sẽ không còn chịu lỗ lớn từ tỷ giá như trong Q3. Ước tính PVD sẽ ghi nhận khoản 100 tỷ đồng lãi ròng trong Q4/2023, theo đó lãi ròng của cả năm ở mức 481 tỷ đồng, giảm 14,7% so với dự báo trước đây.
Năm 2024 cũng được dự báo sẽ là 1 năm sôi động của khâu thượng nguồn ngành dầu khí. Ngoài siêu dự án Lô B – Ô Môn, nhiều kế hoạch khoan dài hạn có thể được triển khai như mỏ Tê Giác Trắng (226 ngày), Cá Ngừ Vàng (313 ngày), Block 05-1b... PVEP cũng có kế hoạch thuê giàn Jack-up 400-ft để phục vụ cho chương trình khoan tại mỏ Đại Hùng – GD3 từ giữa tháng 7/2024...
Giá cho thuê giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á hiện ở mức 110.000 – 130.000 USD/ngày và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong năm 2024 khi nhu cầu thuê giàn khoan tại khu vực Trung đông đang ở mức cao. S&P Global dự báo nhu cầu sẽ dần quay về mức bình thường trong năm 2025. Đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2024 – 2025. Việc ký được các hợp đồng cho thuê giàn với mức giá vượt trên 100.000 USD/ ngày sẽ giúp PVD ghi nhận những mưc lợi nhuận đột phá trong tương lai.
Ngành Dầu khí đang có nhiều triển vọng trong năm 2024
Lễ ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai Siêu dự án khí – điện Lô B – Ô Môn với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD được triển khai vào ngày 30/10/2023.
Theo đó, liên danh nhà thầu PTSC – McDermott đã được trao gói thầu EPCI#1 với điều khoản giới hạn. Tổng giá trị của gói EPCI #1 bao gồm giàn vận hành trung tâm, khu sinh hoạt và một số giàn đầu giếng ước tính có tổng giá trị là 1,1 tỷ USD. Với việc trao thầu giới hạn, giá trị ban đầu sẽ tương đối nhỏ cho đến khi đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của các nhà đầu tư của dự án.
Ngoài Lô B – Ô Môn, năm 2024 ngành Dầu khí cũng có kế hoạch triển khai nhiều dự án lớn khâu thượng nguồn như: Dự án Lạc Đà Vàng có tổng mức đầu tư 693 triệu USD chính thức có FID và 03/11; Dự án Tê Giác Trắng tại block 16-2; Dự án Cá Ngừ Vàng block 9-2; Dự án Idemitsu dự kiến khoan 2 giếng tại block 05-1b/c ngoài khơi Việt Nam trong năm 2024; Dự án PVEP khoan 12 giếng tại dự án Đại Hùng - GĐ 3 khu vực block 15-2/17, dự kiến triển khai từ tháng 7-8/2024; Vietsovpetro dự kiến khoan thăm dò Block 9-2 vào tháng 9/2024.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN