Ca sĩ Khánh Phương mua chui cổ phiếu thắng 12 tỷ, bị phạt 'gãi ngứa' 245 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương) với tổng số tiền 245 triệu đồng.
Cuối năm 2022, ông Phương được chú ý khi bất ngờ trở thành cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01 sau mua hơn 45% cổ phần công ty này. Liên tục từ tháng 10 đến 12/2022, nam ca sĩ mua vào - bán ra nhiều lần cổ phiếu SJC.
Trước đó, ông Phương đã trở thành cổ đông lớn của SJC sau khi mua vào gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 45,51% vốn vào ngày 28/10/2022.
Sau sự xuất hiện của ông Phương, cổ phiếu SJC tăng dựng đứng và đạt đỉnh vào đầu tháng 1/2023, với mức tăng 9 lần sau hơn 4 tháng, lên mức 18.000 đồng. Cổ phiếu SJC sau đó nhanh chóng quay về mức giá 4.500 đồng/cp vào cuối tháng 3. Đến đầu tháng 4/2023, lại bất ngờ nổi sóng tăng gấp 3 lần sau chưa đầy 3 tháng. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 14.300 đồng/cp.
Theo Quyết định xử phạt của UBCKNN, trong khoảng thời gian từ ngày 23/6 đến 28/10/2022, ông Phạm Khánh Phương đã mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu SJC của Công ty Sông Đà 1.01, tăng sở hữu từ 0% lên 45,5%. Ngày 23/12/2022, ông Phương thực hiện mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán ra 21.800 đơn vị, nâng sở hữu tại thời điểm đó từ 24,69% lên 25,81%. Cả hai lần giao dịch, ông Phương đều không đăng ký chào mua công khai.
Ngoài bị phạt tiền, ông Phương còn bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm; buộc bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai.
Ông Phương còn bị phạt tiền 60 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Theo đó, ngày 14/10/2022, ông Phương đã mua 96.600 cổ phiếu SJC dẫn đến khối lượng (tỷ lệ) sở hữu tăng từ 289.200 cổ phiếu SJC (4,17%) lên 385.800 cổ phiếu SJC (5,56%), trở thành cổ đông lớn của SJC nhưng không báo cáo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bị phạt tiền 35 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết. Từ ngày 21/10/2022 đến ngày 30/12/2022, ông Phương liên tục thực hiện mua và bán cổ phiếu SJC, làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của ông Phương và nhóm người liên quan sau giao dịch vượt ngưỡng 1% cổ phiếu có quyền biểu quyết của SJC nhưng không báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn.
Ca si Khanh Phuong mua chui co phieu thang 12 ty, bi phat 'gai ngua' 245 trieu dong
 Ca sĩ Khánh Phương bị UBCKNN xử phạt  245 triệu đồng vì giao dịch "chui" cổ phiếu.
Trả lời báo chí, ông Phương xác nhận việc bị UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Ông Phương thừa nhận mình có lỗi nhưng không cố tình gian lận, mua bán chui cổ phiếu.
Việc ông Phương lãi đậm cổ phiếu lên đến 12 tỷ đồng nhưng chỉ bị phạt 245 triệu đồng vì giao dịch “chui” đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Một số ý kiến cho rằng mức phạt này chỉ đang “gãi ngứa” so với khoản lợi nhuận mà ông Phương đã thu về. Thu lợi cả chục tỷ đồng nhưng hình phạt còn quá nhẹ.
Theo luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), thời gian qua, thị trường chứng khoán xuất hiện những "ông chủ lớn" đầu cơ trục lợi bằng cách bán chui cổ phiếu mà không báo cáo hay công bố thông tin, gây tâm lý bức xúc cho nhiều nhà đầu tư, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không đảm bảo sự minh bạch của thị trường chứng khoán.
Theo luật sư Tùng, trước đây và hiện tại nhiều cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt về hành vi này, thế nhưng việc bán chui cổ phiếu vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó những quy định về xử phạt trong lĩnh vực này còn quá nhẹ, quá thấp so với lợi ích mà những người vi phạm có thể đạt được, vì thế đã tạo nên một "khe hở luật pháp" để những người có lợi thế về mặt thông tin, địa vị sẵn sàng bất chấp để thực hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính.
Bộ luật Hình sự 2015 có 4 điều quy định về các trường hợp xử lý hình sự trong vi phạm lĩnh vực chứng khoán, bao gồm các tội danh: Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211) và làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212), với mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, nếu cá nhân thực hiện hành vi thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên, mới thuộc phạm vi điều chỉnh.

Cụ thể, cá nhân thực hiện một trong các hành vi được định nghĩa trong nhóm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán và thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (trường hợp 1).

Trong trường hợp thực hiện hành vi thao túng giá có tổ chức, hoặc mức thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên, hay người tái phạm nguy hiểm..., thì mức phạt sẽ từ 2-4 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2-7 năm (trường hợp 2).

Ngoài các mức phạt trên, cá nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán còn có thể bị phạt tiền từ 50-250 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Đối với pháp nhân có hành vi thao túng giá, nếu rơi vào quy định của trường hợp 1 thì bị phạt tiền từ 2-5 tỷ đồng; nếu rơi vào trường hợp 2 thì phạt từ 5-10 tỷ đồng. Trường hợp hành vi vi phạm Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 (như ảnh hưởng tới tính mạng nhiều người; an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả) thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Mức xử phạt bổ sung đối với pháp nhân là có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1-3 năm, hoặc cấm huy động vốn trong thời gian từ 1-3 năm.

Khánh Hoài (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN