Bị Agribank tố lợi dụng thương hiệu, Vàng Agribank đổi tên thành Vàng bạc đá quý Asean

Ngày 15/10 tới, Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC) sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi tên công ty, cập nhật mã ngành nghề kinh doanh.

Theo đó, Vàng Agribank muốn đổi tên thành Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Asean. Đồng thời cũng thông qua việc cập nhật thông tin về mã ngành, nghề kinh doanh theo quy định.

Trước đó, Vàng Agribank đã hủy công ty đại chúng từ ngày 21/5/2019.

Bi Agribank to loi dung thuong hieu, Vang Agribank doi ten thanh Vang bac da quy Asean
 

Sự việc bắt nguồn từ ngày 14/8/2019, Vàng Agribank bị xử phạt vi phạm hành chính 85 triệu đồng do không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.

Liên quan đến thương hiệu Agribank này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) lúc đó cũng khẳng định hoàn toàn không còn liên quan đến hoạt động của AJC.

Agribank cho biết, ngày 08/01/2018, Agribank đã hoàn thành việc thoái vốn tại AJC theo đúng quy định và Agribank đã có báo cáo kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính.

Liên quan đến việc giải quyết các nội dung liên quan sau thoái vốn, trong đó có việc sử dụng tên gọi Agribank, ngày 11/01/2018, Agribank đã có văn bản đề nghị AJC không sử dụng tên Agribank để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp.

Được biết, thời điểm mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào đầu năm 2008, ngoài Agribank nắm cổ phần chi phối, AJC còn có hai cổ đông chiến lược là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) và Tập đoàn Nam Cường.

Năm 2018, Agribank đã đấu giá thoái vốn hơn 12,6 triệu cổ phần AJC, thu về gần 190 tỷ đồng. Theo công bố của AJC, sau phiên đấu giá, 3 cổ đông lớn mới của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Thung lũng Vua (thành viên của Tập đoàn BRG), Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư dịch vụ thương mại Hồng Ngọc, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Thịnh.

Trong đó, Công ty TNHH Thung lũng Vua mua thành công 3,4 triệu cổ phiếu, nâng mức sở hữu tại AJC lên 3,74 triệu cổ phiếu, tương đương 18,16% vốn điều lệ. Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư dịch vụ thương mại Hồng Ngọc đã mua vào 4,2 triệu cổ phiếu AJC, nâng mức sở hữu lên 4,75 triệu cổ phiếu, tương đương 23,06% vốn điều lệ.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Thịnh cũng mua vào hơn 5 triệu cổ phiếu, nâng mức sở hữu lên 5,1 triệu cổ phiếu, tương đương 24,78% vốn điều lệ.

Như vậy, 3 cổ đông lớn này sở hữu khoảng 66% vốn điều lệ của AJC tại thời điểm đó.

Ngoài ra, SeABank và Tập đoàn Nam Cường vẫn tiếp tục nắm giữ cổ phần. Trong đó, vốn góp của SeABank chiếm khoảng 10%.

Về hoạt động kinh doanh, 6 tháng 2019, AJC thực hiện được 558 tỷ đồng doah thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 1,3 tỷ đồng, dù sao vẫn khả quan hơn mức lỗ 401 triệu đồng của cùng kỳ.

Tổng tài sản tài thời điểm cuối tháng 6/2019 của AJC ở mức gần 217 tỷ đồng. Vốn đầu tư của chủ sở hữu 206 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang ghi nhận âm gần 13 tỷ đồng do các kỳ trước để lại.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN