BAF bật trần khi được chấp thuận chào bán 600 tỷ đồng trái phiếu cho IFC

Ngày 20/2, HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) đã phê duyệt Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) tham gia đặt mua trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu trơn.
Theo đó, BAF phát hành trái phiếu có tổng giá trị 900 tỷ đồng cho IFC. Trong đó, trái phiếu trơn là 300 tỷ đồng và trái phiếu chuyển đổi là 600 tỷ đồng.
BAF dùng toàn bộ cổ phiếu đang sở hữu tại CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây ninh và vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Trang trại Xanh 2 để đảm bảo cho các nghĩa vụ về thế chấp. 
Cùng ngày, UBCKNN đã có quyết định chấp thuận phương án chào bán trái phiếu riêng lẻ của BAF, đồng thời tạm chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của công ty tại mức 39,13% để đảm bảo việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu đáp ứng quy định. 
Phản ứng trước thông tin phát hành này, cổ phiếu BAF đã có phiên bật trần ngày 20/2 và tiếp tục xanh điểm trong phiên 21/2 khi đóng cửa lên mức 20.750 đồng/cp, ghi nhận tang gần 15% chỉ trong vòng 1 tháng qua. Thanh khoản cũng rất sôi động khi bình quân hơn 2,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
BAF bat tran khi duoc chap thuan chao ban 600 ty dong trai phieu cho IFC
 
Trước đó, hồi tháng 8/2022, BAF đã chào bán 300 tỷ đồng trái phiếu đợt 1/2022.
Đến tháng 11/2022, HĐQT BAF cũng đã thông qua việc triển khai phát hành trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ năm 2022, với tổng giá trị huy động 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến triển khai là trong quý 4/2022-1/2023.
Đơn vị mua trái phiếu là International Finance Corporation (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB).
Trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất cố định 5,25%/năm. Nếu tổ chức mua trái phiếu không chuyển đổi, trái chủ sẽ nhận bổ sung thêm 5,25%/năm cho các kỳ tính lãi, nâng lãi suất thực đợt phát hành lên 10,5%/năm.
Số tiền huy động, BAF dự kiến dùng 230 tỷ đồng để góp vốn tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn tại CTCP Chăn nuôi Công nghệ cao Hải Đăng Tây Ninh; 100 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ và hỗ trợ vay vốn Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 2; 40 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bắc An Khánh từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; 65 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Đông An Khánh từ 20 lên 85 tỷ đồng; 65 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Nam An Khánh từ 20 tỷ đồng lên 85 tỷ đồng; 40 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Trang trại xanh 1 từ 40 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng; 30 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Chăn nuôi Bảo Ngọc từ 20 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng; và 30 tỷ đồng góp vốn để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Anh Vũ Phú Yên từ 50 tỷ đồng lên 80 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, doanh thu thuần BAF đạt hơn 7.047 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 292 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 9% so với năm 2021. Với kết quả này, Công ty đã vượt 18% chỉ tiêu doanh thu (5.950 tỷ đồng) và chỉ đạt 73% kế hoạch lợi nhuận ( 402 tỷ đồng).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN