9 tháng lãi 9.700 tỷ đồng, Agribank xin tăng vốn thêm 20.000 tỷ đồng

Trong 9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế Agribank đạt 9.700 tỷ đồng, thực hiện được 88% kế hoạch năm (11.000 tỷ đồng).

Theo Agribank, nhờ vào đà tăng trưởng của cả doanh thu và lợi nhuận, sự đóng góp của Agribank đối với ngân sách nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019, phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của Agribank trước thềm cổ phần hóa.

Đến 30/9/2019, tổng tài sản Agribank đạt 1,39 triệu tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1,28 triệu tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt  trên 1,12 triệu tỷ đồng. Trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ và nguồn vốn chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Mới đây, Agribank được xếp hạng thứ 142/500 ngân hàng lớn nhất châu Á về quy mô tài sản (theo The Asean Banker). Như vậy, mục tiêu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN giao đã được Agribank thực hiện xong sớm trước thời hạn đề ra.

Hiện nay, Agribank đang tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030, thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 2 gắn với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình thực hiện cổ phần hóa Agribank theo chỉ đạo của Chính phủ.

9 thang lai 9.700 ty dong, Agribank xin tang von them 20.000 ty dong
 

Theo thông tin của Dân Việt, ong Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank hiện là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, trong 5 năm qua quy mô về tổng tài sản tăng trên 2 lần so với năm 2015 nhưng chưa được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ.

 Hiện nay vốn điều lệ Agribank 30.518 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm 4 NHTM nhà nước (bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) dẫn đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tiệm cận mức tối thiểu theo quy định của NHNN.

Mặc dù Agribank đã chủ động phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp II, tuy nhiên theo quy định thì chỉ được tính tối đa 50% vốn tự có. “Do vậy, nếu không được cấp vốn bổ sung, Agribank sẽ không thể cung cấp vốn cho nền kinh tế vào kể từ quý II/2020 mặc dù nhà băng này có nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế và khả năng nguồn của Agribank hoàn toàn có thể đáp ứng”, ông Vượng phân tích.

Đối với vấn đề cổ phần hóa, ngày 15/8/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, theo đó Agribank phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông Phạm Toàn Vượng cho rằng, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người cũng như thực tế về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của Agribank hiện nay thì việc thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa là hết sức khó khăn.

Từ những thực tế trên, Agribank kiến nghị, Chính phủ và NHNN sớm xem xét cấp bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước cho Agribank theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt và lộ trình đã báo cáo NHNN.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN