4 yếu tố định hình xu hướng VN-Index lên 1.240 điểm vào cuối năm 2023

Dựa vào phân tích và đánh giá 4 yếu tố định hình xu hướng TTCK Việt Nam, Chứng khoán KB giữ nguyên dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2023 lên 1.240 điểm.
Chứng khoán KB vừa có báo cáo phân tích Triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 với chủ đề Động lực từ chính sách trên nền tảng vĩ mô yếu.
TTCK Việt Nam trong nửa đầu năm có biến động giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo. Diễn biến giảm của mặt bằng lãi suất, với 4 lần hạ lãi suất của NHNN, là yếu tố chính hỗ trợ đà hồi phục của thị trường từ mức nền thấp được thiếp lập vào cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, sự suy yếu của nền tảng vĩ mô, cũng như sự sụt giảm lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết là yếu tố kiềm hãm đà hồi phục của thị trường. Tính đến ngày 30/06/2023, chỉ số VN-Index tăng 108.8 điểm (10.75% YTD), đi kèm giá trị giao dịch tăng 3.86% YTD.
4 yeu to dinh hinh xu huong VN-Index len 1.240 diem vao cuoi nam 2023
Biến động chỉ số VNIndex 
Đối với triển vọng trong nửa cuối năm 2023, Chứng khoán KB cho rằng sẽ có 4 yếu tố chính định hình xu hướng TTCK Việt Nam, bao gồm xu hướng lãi suất của nền kinh tế, chính sách tiền tệ của Fed, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro suy thoái tại Mỹ.
Thứ nhất, Chứng khoán KB dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại về quanh mức 6,7% (giảm 1,3% so với đầu năm, và giảm 0,25% so với thời điểm hiện tại). Lãi suất cho vay, dù có độ trễ (do chi phí huy động vốn của ngân hàng cần thời gian để hạ, rủi ro nợ xấu khi nền kinh tế suy yếu, nhu cầu tín dụng thấp), tuy nhiên cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm 2023 ở mức 1% - 1,3%.
Chứng khoán KB hạ dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường từ 5% ở báo cáo chiến lược gần nhất xuống còn 0.5% so với cùng kỳ 2022, sau khi số liệu 1 quý công bố cho thấy sự suy yếu mạnh hơn ước tính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, Chứng khoán KB cho rằng bối cảnh vĩ mô trong nước sẽ chỉ thực sự khởi sắc từ quý 4, trong khi quý 2 và quý 3 sẽ tiếp tục ảm đạm và đối diện với nhiều rủi ro khiến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp tiếp tục kém khả quan.
Thứ hai, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước đã hạ nhiệt, Chứng khoán KB cho rằng việc Fed giữ nguyên quan điểm diều hâu ở thời điểm hiện đang là yếu tố rủi ro chính cản trở xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, qua đó tiềm ẩn các rủi ro đối với TTCK. Mặc dù vậy, Chứng khoán KB cho rằng ít có khả năng DXY sẽ tăng mạnh trở lại như đã được chứng kiến ở giai đoạn cuối 2022 do yếu tố này đã được phản ánh, trong khi các yếu tố rủi ro khác khiến DXY tăng giá cuối năm ngoái đã hạ nhiệt.
Thứ ba, các vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã không còn được coi là sự kiện “Thiên Nga Đen” trong năm nay do nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị từ trước, các tác động về mặt tâm lý được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú shock như trong năm 2022.
Trên thực tế, một số sự kiện chậm trả lãi và gốc đã diễn ra từ cuối 2022 đến nay với quy mô không nhỏ nhưng tác động lên thị trường chung là không đáng kể. Dù vậy, các tác động về mặt dòng tiền, sự ổn định vĩ mô vẫn rất đáng chú ý nếu xảy ra sự đổ vỡ lớn và có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, tương tự như sự kiện Vạn Thịnh Phát - SCB.
Thứ tư, một trong số các rủi ro lớn nhất mà TTCK Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt trong giai đoạn nửa cuối năm đó là việc mặt bằng lãi suất tại Mỹ duy trì ở mức cao đang làm gia tăng rủi ro suy thoái tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Thống kê quá khứ cho thấy tại đầu mỗi giai đoạn suy thoái (lạm phát và lãi suất tăng mạnh, đường cong lợi suất đảo ngược, tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng mạnh), TTCK Mỹ thường tiếp tục trải qua một nhịp giảm điểm mạnh và chỉ bắt đầu tạo đáy sau khi lãi suất liên bang tạo đỉnh từ 5-12 tháng. Theo đó, kinh tế của Việt Nam cũng như TTCK sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dòng vốn đầu tư sụt giảm, xuất khẩu suy yếu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết kém khả quan.
4 yeu to dinh hinh xu huong VN-Index len 1.240 diem vao cuoi nam 2023-Hinh-2
 
Dựa vào phân tích và đánh giá 4 yếu tố định hình xu hướng TTCK Việt Nam ở trên, Chứng khoán KB giữ nguyên dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2023 lên 1,240 điểm như trong báo cáo chiến lược năm 2023.
Trong đó, Chứng khoán KB giảm mạnh dự phóng tăng trưởng lợi nhuận bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX từ 5% xuống 0,5% (phản ánh sự suy giảm rõ nét hơn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trước số liệu quý 1 gây thất vọng, kết hợp với nền tảng vĩ mô yếu). Tuy nhiên đồng thời tăng mạnh dự phóng vùng P/E hợp lí của chỉ số VN-Index từ 14,3 lần lên 15,5 lần (phản ánh kỳ vọng vào tác động mạnh hơn của yếu tố giảm lãi suất lên TTCK).
Một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro tác động lên dự phóng của Chứng khoán KB bao gồm: Áp lực tỷ giá quay trở lại khiến lãi suất tăng trở lại, suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất hiện sự đổ vỡ lớn trên thị trường TPDN (tương tự Vạn Thịnh Phát – SCB).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN