Doanh nhân Lê Văn Kiểm: Phụng sự đất nước là một phần của cuộc đời mình

''Tôi luôn ý niệm rằng, phụng sự đất nước là một phần của cuộc đời mình. Với tôi, chẳng có gì ý nghĩa hơn khi được đền ơn đất mẹ - nơi nuôi dưỡng, cưu mang và tôi luyện để tôi được sống, trưởng thành và đủ nghị lực để vượt qua mọi gian khó'', ông Kiểm nói.

Doanh nhan Le Van Kiem: Phung su dat nuoc la mot phan cua cuoc doi minh

Ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành

''Bài thể dục'' cho trái tim

Kết hôn vào ngày 30/4/1970, hơn 50 năm, vợ chồng doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm và vợ ông là bà Trần Cẩm Nhung luôn sát cánh vượt qua bao thử thách, thất bại để nếm được quả ngọt của sự thành công.

Hơn ai hết, ông Kiểm và vợ hiểu sâu sắc những khó khăn trong thời kỳ chiến tranh. Họ lớn lên nhờ nghĩa tình của đất nước, nhân dân, đặc biệt là nhân dân miền Bắc khi ông bà học tập tại các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc nên luôn khát khao được san sẻ với những mảnh đời khốn khó. ''Bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng'', vợ chồng ông Kiểm cùng các con có chung suy nghĩ. Họ lấy việc cho đi làm niềm vui sống, lấy phụng sự đất nước, xã hội làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình.

Từ những năm đầu thập niên 1990, ông Lê Văn Kiểm đã cùng vợ xây dựng nhà tình nghĩa, cùng nhau lập và điều hành các quỹ từ thiện, quỹ khuyến học lên tới chục tỷ đồng. Vợ chồng ông bà cũng luôn góp mặt trong các dự án thiện nguyện do Đảng, Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ phát động. Có thể kể đến một số quỹ từ thiện tiêu biểu như: Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam, Quỹ học bổng "Trần Cẩm Nhung - Chắp cánh ước mơ", Chương trình "sữa học đường", Quỹ Vietnam Health Fund của tỷ phú Bill Gate nhằm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo Việt Nam…

Trong đó, tri ân đồng đội, đền ơn đáp nghĩa những gia đình có công với cách mạng là những hoạt động thiện nguyện mà vợ chồng ông Lê Văn Kiểm đặc biệt quan tâm.

Doanh nhân Lê Văn Kiểm và gia đình còn được biết đến là 1 trong 7 thành viên của Hội đồng sáng lập trường Đại học Fulbright Việt Nam, cam kết cùng 7 thành viên ban đầu hiến tặng trường 35 triệu USD hỗ trợ giai đoạn 1 dự án xây dựng khuôn viên chính của trường tại Khu Công nghệ Cao TP.HCM.

Bên cạnh đó, ông Kiểm cũng coi việc làm từ thiện ở Lào và Campuchia như một sự đền ơn đáp nghĩa mang tính quốc gia. Ông từng tổ chức quyên tiền và rủ ông Dương Công Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam cùng xây ngôi trường trị giá 700.000 USD tại quê nhà của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Có thể thấy, không quá lời khi nói rằng ở vị doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm hội đủ cả tâm – tầm – tài – đức. Trải suốt dọc dài trong lẫn ngoài nước, đã có hơn 2.700 tỷ đồng được gia đình ông dành cho công tác thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa.

''Hãy gọi tôi là một cựu chiến binh''

Hiện là Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Uỷ viên thuờng vụ Trung uơng Hội cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, , Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn... Thế nhưng, khi được hỏi về danh xưng mình tự hào nhất, ông Lê Văn Kiểm trả lời rằng ''hãy gọi tôi là một cựu chiến binh''.

Sinh ra vào đúng năm 1945 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ khi mới 1 tuổi ông đã theo cha mẹ lên chiến khu ở Ba Lòng, Quảng Trị. Năm ông 4 tuổi, cha ông hy sinh. Ông lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và sự đùm bọc, chở che từ những người đồng đội của bậc sinh thành.

Đến năm 1954, cùng với nhiều học sinh miền Nam khác, ông được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đưa ra học tập và đào tạo tại đất Bắc. Năm 1964, ông trúng tuyển vào Trường đại học Thủy Lợi.

Năm 1971, tình hình chiến trận ngày càng trở nên cam go, ác liệt. Ông Kiểm một lòng sục sôi muốn tham gia chiến đấu nên đã chích máu của mình viết đơn xin đi bộ đội rồi lại xung phong vào chiến trường miền Nam đỏ lửa.

''Tôi luôn ý niệm rằng, phụng sự đất nước là một phần của cuộc đời mình. Với tôi, chẳng có gì ý nghĩa hơn khi được đền ơn đất mẹ - nơi nuôi dưỡng, cưu mang và tôi luyện để tôi được sống, trưởng thành và đủ nghị lực để vượt qua mọi gian khó'', ông Kiểm nói. Sau rất nhiều khó khăn, đơn thư bằng máu của ông cũng được chấp thuận.

Để rồi, vào ngày 30/4/1975 lịch sử, cũng là kỉ niệm 5 năm ngày cưới với người vợ Trần Cẩm Nhung, ông Lê Văn Kiểm đã cùng đồng đội, cùng non sông đất nước vỡ òa hạnh phúc trong ngày giải phóng, mừng Bắc – Nam một nhà.

''Lúc đó hai bên đường phố đông đảo người dân vẫy cờ hoa đón chào quân Giải phóng chúng tôi. Tôi vô cùng xúc động vì từ nay trở đi nước nhà được hòa bình, thống nhất và tôi sẽ được đoàn tụ với gia đình, vợ con. Tôi vinh dự khi được là một phần của lịch sử, được chứng kiến thời khắc quan trọng của đất nước'', ông Kiểm nhớ lại, không giấu được niềm xúc động dù đã 47 năm trôi qua.

Can trường trên ''mặt trận'' kinh tế

Đến cuối thập niên 1970, hoà bình được lập lại nhưng kinh tế cả nước còn chật vật, khó khăn. Ông Lê Văn Kiểm lại cùng vợ mình bắt tay vào một mặt trận mới – "mặt trận" kinh tế.

Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ trị giá một lượng vàng, mua chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Ông kể: ''Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp… trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy''. Không bao lâu, sản phẩm thức ăn gia súc mang nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm xuất hiện khắp nơi.

Bước đầu thuận lợi, ông cùng vợ tiếp tục nghiên cứu, ép dầu từ hạt cao su để sản xuất sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Sau đó, gia đình ông nghiên cứu sản xuất thêm bột màu xây dựng.

Một trong những công trình mà công ty Huy Hoàng để lại cho TP.HCM là nút giao thông Hàng Xanh, được khánh thành ngày 30/4/1995. Đây là một trong những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên do công ty tư nhân thi công theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế mà giá chỉ bằng 1/3 giá quốc tế. Số tiền lời từ công trình này Ông Kiểm dành tặng cho việc xây dựng tưởng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Bến Dược, Củ Chi.

Sang đầu những năm 1990, ông Kiểm và công ty là đơn vị đầu tiên của đất nước đầu tư vào ngành bất động sản, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quận 2 cũ (nay là Thành phố Thủ Đức, TP.HCM). Nhưng về sau, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay tiền ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng. Gia đình ông đã phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn.

''Một trong những điều cảm động nhất là thời điểm khó khăn, có một số nhân viên công ty đến gặp tôi, họ sẵn lòng giao giấy tờ sổ đỏ nhà để tôi cầm cố vay tiền trả nợ. Tôi dù không nhận sự giúp đỡ ấy, nhưng ân tình đó suốt đời không quên được'', ông bồi hồi nhớ lại.

Trải qua thăng trầm của hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong suốt 3 thập niên qua, chính tinh thần luôn tiên phong, sáng tạo, đổi mới cùng bản lĩnh của người lính đã giúp ông Lê Văn Kiểm có những quyết định và hướng đi sáng suốt để vượt qua khó khăn, đứng vững trên thị trường.

Đến nay, tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành lớn mạnh, tiên phong trên nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài nước như sân golf, bất động sản, nghỉ dưỡng, năng lượng sạch… với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD.

Hiện, việc điều hành tại công ty đang được chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Con gái Lê Nữ Thùy Dương làm phó tổng giám đốc từ năm 2003, sau 12 năm, được trao quyền tổng giám đốc điều hành từ 2015. Còn ông Lê Huy Hoàng, người con trai cả của ông Kiểm hiện quản lý các dự án đầu tư tại Lào.

Tiết lộ về chiến lược phát triển dài hạn, doanh nhân Lê Văn Kiểm cho biết, tập đoàn đang xin chủ trương xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới tại Việt Nam để có thể đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư vào nước ta hậu Covid-19. Cùng với đó là định hướng phát triển áp dụng công nghệ và năng lượng tái tạo trong việc xây dựng – quản lý, vận hành các khu đô thị thành các ''Đô thị thông minh - Smart City''; với mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, sử dụng các nguồn năng lượng một cách hiệu quả, tối ưu và đảm bảo sức khỏe cho con người.

''Giá trị lớn nhất mà tập đoàn hướng đến đó là mang lại giá trị cho cộng đồng và để lại dấu ấn bởi những công trình mang tầm cỡ quốc tế. Còn sức khỏe đến đâu, tôi sẽ còn lao động, phấn đấu không ngừng nghỉ đến đó. Cá nhân tôi cam kết sẽ dành phần lớn lợi nhuận từ các dự án của tập đoàn để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc'', Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm dốc lòng trả nghĩa non sông.

Với những nỗ lực và thành công trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho công tác từ thiện, ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam, Lào, Campuchia trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó ông là người đầu tiên được phong tặng hai lần danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, vợ chồng ông cũng là cặp vợ chồng đầu tư của đất nước cùng được phong tăng danh hiệu cao quý này.

Năm 2019, tạp chí Forbes bình chọn và công bố danh sách 30 Anh hùng từ thiện châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có sự góp mặt của hai doanh nhân Việt Nam là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung. Ông bà là người Việt Nam duy nhất có tên trong danh sách, cả hai xếp thứ 7 trong top 10 nhà từ thiện hào phóng nhất.

GIA PHÚ/Nhadautu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN