Tìm ra công nghệ sản xuất màn hình tần số quét lên đến hơn 1.000Hz

Công nghệ mới có thể mang lại màn hình siêu thực, giá cả phải chăng với tần số quét lên đến hơn 1000Hz.

Theo TechRadar, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Nottingham Trent (NTU), Đại học Quốc gia Úc và Đại học New South Wales Canberra ở Úc đã tìm ra một khái niệm công nghệ có thể làm lung lay nền tảng của ngành công nghiệp màn hình và TV trị giá hơn 100 tỷ USD.

Bằng cách hoán đổi các tế bào tinh thể lỏng truyền thống được sử dụng trong các thiết bị phổ biến ngày nay để lấy một công nghệ mới gọi là “metasurfaces” (đây là những mảng hạt nano có thể điều chỉnh bằng điện), các nhà nghiên cứu khẳng định điều này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể so với màn hình tinh thể lỏng hiện tại.

Một nhà nghiên cứu quang học tại NTU.

Metasurfaces có kích thước nhỏ hơn tới 10 lần so với các ô tinh thể truyền thống, từ đó có thể chuyển thành các pixel nhỏ hơn đáng kể. Theo lý thuyết, công nghệ mới sẽ mang lại mật độ pixel cao hơn nhiều. Khi các điểm ảnh được liên kết chặt chẽ với nhau sẽ cho ra hiển thị đồ họa siêu thực, liền mạch hơn, rất phù hợp với các chuyên gia sáng tạo đang khao khát sự đổi mới đối với màn hình chỉnh sửa ảnh.

“Ngày nay, yếu tố chính quyết định kích thước pixel trong màn hình LCD và LED là hạn chế của công nghệ tinh thể lỏng: chúng dày và không thể nhỏ hơn, đồng thời quá gần nhau do giao thoa chéo của các pixel lân cận. Nhưng công nghệ của chúng tôi không có giới hạn này”, giáo sư Mohsen Rahmani của nhóm nghiên cứu tại NTU cho biết.

Công nghệ mới cũng cho phép tần số quét của màn hình cao hơn nhiều, vì ánh sáng có thể được chuyển đổi nhanh hơn gần 20 lần so với thời gian phản ứng của mắt người bằng cách thay đổi nhiệt độ của vật liệu.

Cụ thể, giới hạn của mắt người là khoảng 13 mili giây hoặc 78Hz, nhưng màn hình sử dụng Metasurfaces có khả năng đạt tần số quét đến hơn 1000Hz, cao hơn nhiều so với bất kỳ màn hình nào hiện có trên thị trường – một viễn cảnh như mơ cho màn hình chơi game.

Màn hình của tương lai sẽ vượt qua những giới hạn với công nghệ Metasurfaces.

Ngoài ra, công nghệ này sử dụng silicon giúp kéo dài tuổi thọ đáng kể, chi phí sản xuất và mức tiêu thụ điện năng thấp hơn nhiều. Chuyển sang silicon cũng cho phép các tế bào tinh thể lỏng mỏng hơn, có thể giúp giảm trọng lượng và độ dày của màn hình lên đến 99%.

Theo giáo sư Rahmani, nếu được đầu tư mạnh mẽ, nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ có sản phẩm mới với công nghệ Metasurfaces trong vòng 5 năm tới. Ông cũng cho biết công nghệ này tương thích với các dây chuyền sản xuất màn hình LCD và LED hiện nay, nên không cần phải phát triển dây chuyền sản xuất lại từ đầu.

Đào Hoàng

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN