Thách thức mới ở đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử của Trung Quốc

Sông Dương Tử, tuyến đường thủy dài nhất ở châu Á, là một trong những con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng ở Trung Quốc và nay con đường này đang có dấu hiệu bị tắc, đặc biệt là ở đập Tam Hiệp.

Tàu thuyền di chuyển trên sông Dương Tử ở đoạn chảy qua thành phố Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), các chuyên gia trong ngành vận tải đường thủy và các quan chức địa phương đến từ 4 tỉnh và một đô thị ở Trung Quốc gồm Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Thiểm Tây đã có cuộc họp tại Trùng Khánh vào đầu tháng này để thảo luận về phát triển vận tải thủy chất lượng cao ở khu vực thượng nguồn sông Dương Tử.

Bốn tỉnh và khu đô thị Trùng Khánh của Trung Quốc là chìa khóa trong kế hoạch “hướng Tây” nhằm thúc đẩy sự phát triển ở khu vực miền Tây và miền Trung.

Cuộc họp diễn ra nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối đang cản trở hoạt động vận tải đường thủy hiệu quả, trong đó tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn, một chuyên gia tham dự cuộc họp nói trên tờ SCMP.

Tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra khi tàu thuyền đi qua đập Tam Hiệp và việc di chuyển trên các nhánh sông quan trọng như sông Ngô, sông Gia Lăng và sông Mân vẫn tiếp tục bị cản trở.

Tàu thuyền đi qua âu tàu ở đập Tam Hiệp, đập thuỷ điện lớn nhất thế giới. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Năm ngoái, khoảng thời gian trung bình để tàu thuyền đi qua âu tàu ở đập Tam Hiệp là 12 ngày, SCMP dẫn nguồn tin cho biết. "Thời gian chờ đợi tăng đáng kể dẫn tới chi phí vận chuyển tăng cao, làm tăng khó khăn trong hoạt động của các công ty vận tải và góp phần vào tình trạng ô nhiễm gia tăng trong khu vực", nguồn tin nói trên SCMP. "Tình trạng này càng tồi tệ hơn đã tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Tàu thuyền mất thêm thời gian chở nguyên liệu thô và nhiên liệu đi qua đập Tam Hiệp đã làm gián đoạn sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc.

Theo nguồn tin, nâng cao năng lực vận chuyển của khu vực thượng nguồn sông Dương Tử là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển tỉnh Tứ Xuyên nói chung và thành phố Trùng Khánh nói riêng.

Các chuyên gia tham gia cuộc họp nói quy trình để tàu thuyền đi qua âu tàu ở đập Tam Hiệp cần được đơn giản hóa. Các tàu chở nhiên liệu máy bay, quặng sắt, thép, ngũ cốc và các vật liệu thiết yếu khác nên được ưu tiên. Các địa phương cũng cần hỗ trợ phát triển mạng lưới vận tải nội địa, các chuyên gia nói trên SCMP.

"Cải thiện hiệu quả vận tải đường sông trên sông Dương Tử sẽ giúp giảm thiểu chi phí", Zhao Jian, giám đốc trung tâm nghiên cứu đô thị hóa của Đại học Giao thông Bắc Kinh, nói. "Hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ở sông Dương Tử là con đường vận tải rẻ nhất, đặc biệt là đối với tàu thuyền có khối lượng hàng hóa lớn".

Giống như sông Mississippi ở Mỹ, sông Dương Tử bao gồm các lưu vực sông và đồng bằng rộng lớn. Sông Dương Tử từ lâu đã được coi là “đường cao tốc trên mặt nước” của Trung Quốc, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

Toàn cảnh đập Tam hiệp và âu tàu nằm ở bên cạnh. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Theo số liệu thống kê chính thức, sản lượng hàng hóa tại các cảng sông Dương Tử trong năm ngoái đã tăng 8% so với năm 2022, lên mức 3,8 tỉ tấn. Khách du lịch đã thực hiện 1,38 triệu chuyến đi trên sông giữa các tỉnh, tăng hơn 26% so với năm 2022.

Zhang Hongbin, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói vận tải đường thủy mang lại hiệu quả cao nên sông Dương Tử chiếm 80% lượng vận chuyển quặng khoáng sản của Trung Quốc, 80% than và 70% dầu thô.

Tuy nhiên, vận tải đường thủy trên sông Dương Tử đang gặp trở ngại do tắc nghẽn. Vấn đề không chỉ xảy ra ở khu vực đập Tam Hiệp mà còn ở những cây cầu bắc qua sông. Những cây cầu được chính quyền địa phương Trung Quốc xây dựng với độ cao 24 mét vào những năm 1950 không tương thích với những tàu chở hàng cỡ lớn ngày nay.

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để khắc phục một số điểm nghẽn. Năm 2017, một dự án của chính phủ Trung Quốc đã được triển khai nhằm nạo vét một đoạn sông từ thành phố Nghi Xương ở tỉnh Hồ Bắc qua Vũ Hán đến thành phố An Khánh ở tỉnh An Huy.

Sở giao thông vận tải Hồ Bắc cho biết, dự án tăng độ sâu của một số đoạn sông lên 6 mét, cho phép tàu có tải trọng 13.000 tấn cập cảng ởVũ Hán và tàu 5.000 tấn cập cảng ở Nghi Xương. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn giúp các tàu thuyền tiết kiệm nhiên liệu hơn, theo SCMP.

Nhật Minh - SCMP

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN