Loài vật ngỡ phổ biến lại trở nên khan hiếm vì ngành công nghiệp tỷ đô

Trong những năm gần đây, nhu cầu về da lừa ngày càng lớn ở Trung Quốc, nơi chúng được sử dụng để sản xuất một sản phẩm liên quan đến sức khỏe có tên là ejiao.

Ejiao được làm từ collagen chiết xuất từ da lừa trộn với các loại thảo mộc và các thành phần khác để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng y tế và sức khỏe. Nó được cho là có công dụng tăng cường máu, cầm máu và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Ejiao được bán với giá khoảng 783 USD một kg (~18 triệu đồng), và thị trường Trung Quốc đối với thứ thuốc này đã tăng từ khoảng 3,2 tỷ USD năm 2013 lên khoảng 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Sự gia tăng nhu cầu gần đây là do một số yếu tố, bao gồm thu nhập tăng, mức độ phổ biến của sản phẩm thông qua một bộ phim truyền hình và dân số già.

Nhu cầu về ejiao đã dẫn đến tình trạng thiếu lừa ở Trung Quốc và ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn thế giới, trong đó các quốc gia ở Châu Phi đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Châu Phi là nơi có số lượng lừa cao nhất thế giới, ước tính khoảng 2/3 số lượng toàn cầu. Không có số liệu chính xác về số lượng da lừa được xuất khẩu sang Trung Quốc do buôn bán bất hợp pháp ngày càng tăng, nhưng một nghiên cứu về quần thể lừa của Nam Phi cho thấy rằng nó đã tăng lên khoảng 146.000 con vào năm 2019. Điều này được cho là do hoạt động xuất khẩu da lừa.

Quy mô buôn bán lừa, cả bất hợp pháp và hợp pháp, đặt ra thách thức đối với nhiều quốc gia ở Châu Phi, đặc biệt là về tác động của nó đối với các cộng đồng bị thiệt thòi nhất. Hàng triệu người Đông Phi dựa vào lừa để kiếm sống có nguy cơ mất trắng do buôn bán da lừa.

Lừa có vai trò quý giá như một con ngựa kéo và việc mất khả năng tiếp cận với chúng tạo ra một vấn đề lớn đối với các hộ gia đình nghèo. Phần khác của thách thức là quy định. Chỉ khi việc buôn bán da lừa được quy định đầy đủ - và số lượng xuất khẩu có thể rất hạn chế - thì việc buôn bán này mới có thể diễn ra mà không gây hậu quả bất lợi cho người nghèo.

Giá trị của lừa

Lừa được ước tính hỗ trợ khoảng 158 triệu người ở Châu Phi. Ở các vùng nông thôn, sự hiện diện của một con lừa trong một hộ gia đình giúp xóa đói giảm nghèo và giải phóng phụ nữ và trẻ em gái khỏi công việc gia đình cực nhọc.

Lừa là một trong những phương tiện đơn giản nhất, bền vững nhất và giá cả phải chăng để vận chuyển người, hàng hóa... Ngay cả trong môi trường khắc nghiệt, lừa vẫn có thể di chuyển quãng đường dài với tải nặng, hạn chế sử dụng nước và không có dấu hiệu mệt mỏi. Chúng là một tài sản lâu dài của các hộ gia đình.

Giá trị của việc có một con lừa trong gia đình là hiển nhiên. Việc mất một con lừa với một hộ gia đình ở vùng nông thôn Kenya có liên quan đến nguy cơ nghèo đói gia tăng, trẻ em bỏ học, an ninh kém hơn và kinh tế dễ bị tổn thương hơn. Điều này làm cho việc buôn bán lừa trở thành một chủ đề nhạy cảm.

Phản ứng của chính phủ

Nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lừa đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau của các chính phủ trên khắp châu Phi. Tanzania đã cố gắng tạo ra một ngành công nghiệp và thương mại lừa chính thức. Tuy nhiên, vào năm 2022, chính quyền đã cấm lĩnh vực kinh doanh này vì nguồn cung hợp pháp không theo kịp nhu cầu. Những con lừa cái thường chỉ sinh ra một vài chú lừa con trong đời.

Ở Kenya, sự phẫn nộ của công chúng - phần lớn là do giá lừa tăng và nguồn cung giảm - đã dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu lừa của Kenya đã đệ đơn kiện lệnh cấm lên Tòa án tối cao Kenya vào tháng 6 năm 2020 và đã thắng kiện.

Huy Nguyễn (Theo The Conversation)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN