Vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam vượt trội trong 5 năm qua

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam trong thập kỷ qua và vượt trội so với các nước trong khu vực những năm gần đây. 
FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,2 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Với 2.865 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,41 tỷ USD, vốn đăng ký cấp mới 11 tháng đã tăng 58,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 42,4% về số vốn đăng ký.
Trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,31 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 3,15 tỷ USD, chiếm 19,2%; Trung Quốc 3,06 tỷ USD, chiếm 18,7%; vụn lãnh thổ Đài Loan 2,05 tỷ USD, chiếm 12,5%; Hàn Quốc 1,7 tỷ USD, chiếm 10,4%; Nhật Bản 757,8 triệu USD, chiếm 4,6%.
Nổi bật trong danh sách đầu tư nước ngoải rót vốn vào Việt Nam là Trung Quốc. Thực tế, kể từ sau căng thẳng Mỹ - Trung nổ ra, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ. Đồng thời, bất chấp Covid-19, Trung Quốc vẫn đăng ký đầu tư không ít vào Việt Nam và luôn đứng ở vị trí thứ 3, thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Theo đó, năm 2020, vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỷ USD, năm 2021 là 2,92 tỷ USD, năm 2022 là 2,5 tỷ USD và 11 tháng 2023 vọt lên tới 3,06 tỷ USD.
Von FDI cua Trung Quoc vao Viet Nam vuot troi trong 5 nam qua
 
Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại song phương từ năm 2019 đến nay của Việt Nam và Trung Quốc cũng có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt năm 2018 ghi dấu vượt mốc 100 tỷ USD và không ngừng tăng trưởng các năm sau đó. Năm 2021 kim ngạch hai nước nhanh chóng vượt con số 150 tỷ USD.
Trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.
Còn 10 tháng năm 2023, thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, tương đương 79% kim ngạch của cả năm 2022.
Tính riêng xuất khẩu, Trung Quốc vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với 57,7 tỷ USD trong năm 2022 chỉ xếp sau Hoa Kỳ với 109 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2008, khi Việt Nam và Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện thì giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần trong 14 năm vừa qua.
Điện thoại, máy vi tính và linh kiện luôn dẫn đầu về tổng giá trị xuất sang Trung Quốc (Năm 2022, đạt 11,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu máy vi tính và linh kiện và 16,3 tỷ USD về điện thoại và linh kiện). Theo sau, các nhóm ngành về nông sản và dệt may cũng chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN