Vinaconex 2023: Xây lắp là điểm sáng, dự án Cát Bà Amatina là điểm trừ

Chứng khoán Mirae Asset Vietnam vừa có báo cáo phân tích Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) với nhận định cơ hội và rủi ro đan xen.
Thêm một năm không đạt kế hoạch tài chính
Về tình hình kinh doanh năm 2022, doanh thu của Vinaconex đạt 8.629 tỷ đồng, tăng 50% so năm 2021. Lợi nhuận trước thuế 1.132 tỷ đồng, tăng 57%. So với kế hoạch đề ra, Vinaconex chỉ thực hiện được 56,4% kế hoạch doanh thu và 64,7% kế hoạch lợi nhuận.
Trong cơ cấu doanh thu, với phần lớn đến từ mảng xây lắp (70%), phân khúc lớn thứ hai là sản xuất (chiếm 11%) và các dịch vụ khác (12%). 
Đáng chú ý, doanh thu của mảng bất động sản (chỉ chiếm 7% tổng doanh thu, khoảng 608 tỷ đồng) đến từ việc bàn giao dự án Green Diamond. Mirae Asset kỳ vọng giá trị bàn giao khoảng 1.350 tỷ đồng vào năm 2023 từ phân khúc này, trong khi công ty chứng khoán này thận trọng về việc phát triển dự án Amanita Cát Bà – một dự án với các dòng phẩm biệt thự cao cấp.
Năm 2023, Vinaconex có triển vọng gì?
Về phân khúc Xây lắp, Vinaconex được Bộ GTVT chỉ định là nhà thầu thực hiện thêm 4 gói thầu trong dự án đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Mirae Asset ước tính giá trị riêng của các gói thầu này vào khoảng 8.000 tỷ đồng (~350 triệu USD) trong giai đoạn 2023– 2025.
Vì Chính phủ là nhà đầu tư nên các khoản thanh toán sẽ được đảm bảo, dòng tiền sẽ được cải thiện đáng kể, qua đó giảm rủi ro thanh khoản trong hai năm tới. Mirae Asset xem phân khúc này là điểm sáng nhất của Vinaconex trong giai đoạn 2023–2024.
Vinaconex 2023: Xay lap la diem sang, du an Cat Ba Amatina la diem tru
 
Đối với phân khúc Bất động sản, trái ngược với mảng Xây lắp, triển vọng thị trường bất động sản vẫn ảm đạm khi nhà đầu tư đang lo ngại rủi ro đối với trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2023. 
Dự án lớn nhất, Cát Bà Amatina, chiếm phần lớn hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn (Mirae Asset ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng) là điểm trừ và làm trì trệ bảng cân đối kế toán, tiêu tốn nhiều vốn đầu tư và chi phí của công ty, khi nhu cầu của thị trường vẫn còn yếu. Dự án này nằm ở miền Bắc Việt Nam và khó hoạt động tối đa công suất do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ.
Thêm vào đó, sản phẩm của công ty là biệt thự và resort nghỉ dưỡng, thuộc phân khúc hạng sang cao cấp. Phân khúc này phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế và nội địa, tuy nhiên cả hai đều chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục trì trệ trong tương lai gần. 
Vì thế, dự phóng của Mirae Asset không bao gồm các khoản doanh thu lớn, đáng kể từ phân khúc này. 
Vinaconex 2023: Xay lap la diem sang, du an Cat Ba Amatina la diem tru-Hinh-2
 
Cho năm 2023, Mirae Asset thận trọng dự báo doanh thu hợp nhất và LNST của công ty mẹ lần lượt là 11.544 tỷ đồng và 640 tỷ đồng với EPS là 1.312 đồng.
Mirae Asset lưu ý dự báo năm 2023 không bao gồm bất kỳ khoản thu nhập bất thường nào (khác với năm 2022 với khoản thu nhập tài chính 660 tỷ đồng từ đánh giá lại giá trị tài sản), chỉ bao gồm tăng trưởng hữu cơ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, qua đó khiến EPS giảm đáng kể.
Tuy EPS Forward giảm, nhưng lợi nhuận có thể tăng đáng kể nếu công ty phát triển dự án Cát Bà Amatina thành công đúng tiến độ. Tuy nhiên, Mirae Asset thận trọng về khả năng thành công của dự án này trong ngắn hạn. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN