Vietnam Airlines tăng lỗ sau soát xét, kiểm toán lưu ý khả năng hoạt động liên tục

Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu không thay đổi quá nhiều so với trước kiểm toán, trong khi đó, lỗ ròng tăng từ mức 1.465 tỷ đồng lên 1.519 tỷ đồng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) vừa công bố BCTC công ty mẹ và BCTC hợp nhất kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023.
Trong BCTC soát xét hợp nhất bán niên 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu không thay đổi quá nhiều so với trước kiểm toán. Trong khi đó, lỗ ròng tăng từ mức 1.465 tỷ đồng lên 1.519 tỷ đồng.
Lỗ ròng vẫn tăng dù Vietnam Airlines cho biết đã cắt giảm 200 tỷ đồng chi phí lương và được thể hiện qua phần chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 4% so với trước kiểm toán.
Khoản mục khiến hãng hàng không quốc gia lỗ nặng hơn đến từ chi phí bán hàng (tăng từ 2.007 tỷ đồng lên 2.109 tỷ đồng) và lỗ khác (tăng từ 128 tỷ đồng lên 222 tỷ đồng).
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đã tăng 46%, đạt 44.275 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế 1.386 tỷ đồng, tương đương giảm lỗ gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân khoản lỗ hợp nhất của Vietnam Airlines giảm mạnh kỳ này là nhờ giảm lỗ tại công ty mẹ. Trong khi các công ty con như Skypec, Vaeco, Viags… đều kinh doanh có lãi.
Vietnam Airlines tang lo sau soat xet, kiem toan luu y kha nang hoat dong lien tuc
 HVN tăng lỗ sau soát xét.
Công ty kiểm toán KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines vẫn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có đề án tái cơ cấu tổng thể hãng.
Theo báo cáo kiểm toán, kết thúc nửa đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 1.500 tỷ đồng. Đến hết 30/06, nợ ngắn hạn của hãng cùng các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 42.800 tỷ đồng. Các khoản phải trả đã quá hạn của doanh nghiệp này trên 14.780 tỷ, vốn chủ sở hữu âm hơn 12.500 tỷ đồng.
Vì vậy, KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng, nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.
Đối với vấn đề này, Vietnam Airlines cho biết là đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vietnam Airlines kỳ vọng việc triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp theo Đề án này sẽ giúp bổ sung dòng tiền, thu nhập, phục hồi năng lực tài chính của Vietnam Airlines, đưa Vietnam Airlines về trạng thái tài chính lành mạnh, các chỉ số tài chính được cải thiện đủ điều kiện để duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE (kinh doanh có lãi, không bị âm vốn chủ sở hữu).
Nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không và nỗ lực tự thân, dự kiến từ năm 2024 trở đi Vietnam Airlines có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN