VEC làm ăn thế nào dưới thời các lãnh đạo sai phạm?

Theo báo cáo tài chính năm 2018,  Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 892 triệu đồng.
Trong thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 3/5, ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã vi phạm quy chế làm việc và các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, để nội bộ lãnh đạo Tổng Công ty mất đoàn kết nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và trong quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc, gây hậu quả nghiêm trọng.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiền thân là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, được thành lập năm 2004.
VEC lam an the nao duoi thoi cac lanh dao sai pham?
 Dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai do VEC làm chủ đầu tư. Ảnh: minh họa 

Mời độc giả xem video: Sai phạm của 'ông trùm' cao tốc VEC lớn cỡ nào trong dự án cao tốc Đà Nẵng– Quảng Ngãi. Nguồn: InvestTV


Tháng 7/2010, doanh nghiệp này được chuyển đổi loại hình từ công ty nhà nước độc lập trực thuộc Bộ Giao thông vận tải sang hình thức Công ty TNHH MTV và đổi tên thành Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam như hiện nay.
Tại thời điểm 31/12/2018, VEC có vốn điều lê là 1.000 tỷ đồng, với 100% là vốn góp Nhà nước.
Sau gần 16 năm phát triển, đến thời điểm hiện tại, VEC chỉ mới công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018. Theo đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của VEC đạt mức 3.209 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 94% kế hoạch đề ra.
Trong đó, tuyến Nội Bài - Lào Cai thu được 1.270 tỷ đồng, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đóng góp 1.073 tỷ đồng, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thu về 705 tỷ đồng và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi góp 159 tỷ đồng vào tổng doanh thu.
Cũng theo báo cáo tài chính 2018, VEC phải chịu khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá hơn 2.000 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ dừng ở mức 892 triệu đồng.
Tính đến ngày 31/12/2018, VEC đang có khối tài sản 96.556 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 89.140 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 19.676 tỷ đồng (hàng tồn kho chiếm tới 26,6 tỷ đồng) và tài sản dài hạn là 76.880 tỷ đồng (chủ yếu là tài sản cố định).
Đáng chú ý, tính đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC là 87.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 19.672 tỷ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tính đến thời điểm hết năm 2018, chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VEC còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới với hơn 5.400 tỷ đồng.
Ngày 11/2 vừa qua, VEC đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với tổng doanh thu ước đạt 4.251 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2,2 tỷ đồng, các khoản nộp ngân sách nhà nước 393,8 tỷ đồng.
Hiện nay, VEC đã đưa vào vận hành 4 tuyến đường cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lao Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Trong đó, tuyến đem lại doanh thu lớn nhất là Nội Bài – Lào Cai và TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành để đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2021.
Hoàng Minh (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN