Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hé lộ kế hoạch kinh doanh của Vingroup trong năm 2020

“Định hướng phát triển của Vingroup là trở thành một Tập đoàn đẳng cấp quốc tế, lấy khối Công nghiệp, Công nghệ làm trọng tâm để hình thành các thương hiệu quốc tế” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Nhật Vượng mở đầu Báo cáo thường niên 2019 của Vingroup như vậy.
 

Để làm được điều đó, Vingroup phải nỗ lực vượt bậc, liên tục vượt qua chính bản thân mình, phải đầu tư mạnh mẽ, chấp nhận thua thiệt trong giai đoạn đầu, phải hết sức quyết liệt và sáng tạo, phải làm điều chưa ai làm.

Cuối năm 2019, Vingroup tái cấu trúc lại hoạt động của Tập đoàn thông qua hàng loạt các quyết định quan trọng. Trước hết là thoái vốn khỏi lĩnh vực Bán lẻ trực tiếp và Nông nghiệp thông qua thỏa thuận hoán đổi cổ phần tại Công ty VCM với Tập đoàn Masan (MSN).

Quan hệ hợp tác này nhằm hướng tới mục tiêu tối đa hóa năng lực cốt lõi của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ mới có sức mạnh cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam, hướng tới quy mô khu vực.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã sáp nhập Adayroi vào VinID nhằm xây dựng một nền tảng bán lẻ linh hoạt, lấy khách hàng làm trọng tâm, đồng thời giải thể chuỗi siêu thị – cửa hàng điện máy VinPro và rút lui khỏi lĩnh vực Hàng không. Việc tái cấu trúc đã giúp Tập đoàn tối ưu hóa nguồn lực, tập trung cho đầu tư phát triển các lĩnh vực Công nghiệp và Công nghệ.

Lĩnh vực Thương mại Dịch vụ, ngoài việc giữ vững vai trò là một đầu tàu tăng trưởng quan trọng, sẽ tiếp tục là hệ sinh thái hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm công nghiệp, công nghệ.

Kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của Vingroup đạt 130.036 tỷ đồng, tăng 8.142 tỷ đồng (tương đương 7%) so với năm 2018 do doanh thu thường xuyên tăng trưởng tốt, đặc biệt là hoạt động sản xuất ô tô đã bắt đầu ghi nhận doanh thu, bù đắp cho doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm.

Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn tăng trưởng 24% từ 6.238 tỷ đồng năm 2018 lên 7.717 tỷ đồng năm 2019.

Ty phu Pham Nhat Vuong he lo ke hoach kinh doanh cua Vingroup trong nam 2020
 Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. 

Năm 2020, Tập đoàn tiếp tục phát huy mô hình P&L tại các công ty con, nhấn mạnh yêu cầu về hiệu quả và minh bạch. Vingroup tiếp tục thúc đẩy triển khai nguyên tắc “5 Hóa” nhằm xây dựng bộ máy quản trị tinh gọn, đa năng và linh hoạt.

Ở mảng Công nghiệp: VinFast dự kiến sẽ ra mắt thêm một số mẫu ô tô, xe máy điện mới và bắt đầu sản xuất xe buýt điện.

Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt một số mẫu điện thoại thông minh và TV thông minh, trong đó có các mẫu điện thoại 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam từ phổ thông đến cao cấp và các mẫu TV sử dụng công nghệ OLED.

Bên cạnh đó, VinSmart sẽ giới thiệu các thiết bị thông minh smarthome với nhiều tính năng vượt trội, phát triển giải pháp thành phố thông minh toàn diện cho ba Đại dự án Vinhomes và ra mắt camera an ninh ứng dụng AI. Ngoài ra, Công ty tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác hàng đầu thế giới như Qualcomm, Google để nghiên cứu các sản phẩm, công nghệ mới.

Ở mảng Công nghệ: Trong năm 2020, Vingroup tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển Tập đoàn theo hướng Công nghiệp – Công nghệ – Dịch vụ.

VinBrain triển khai sản phẩm AI Trợ lý bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh, kết nối bệnh nhân – bác sĩ, đồng thời nghiên cứu biểu đồ dự đoán bệnh và phác đồ điều trị ra các bệnh viện trong nước. Vantix triển khai và ứng dụng trên diện rộng giải pháp phân tích và tối ưu năng suất lao động dựa trên thiết bị đeo IoT trong vận hành ở các chuỗi khách sạn Vinpearl và các nhà máy của VinFast và VinSmart.

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ, các viện nghiên cứu của VinTech, VinSmart và VinFast cũng sẽ đăng kí nhiều sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp đột phá trong 2020.

Trong lĩnh vực quản trị và an toàn thông tin, VinCSS đầu tư phòng Lab Cyber 4.0 nghiên cứu trọng điểm về an ninh mạng và nâng cấp hệ thống xác thực đạt chuẩn FIDO2 trong Tập đoàn. Bên cạnh đó, HMS phát triển nền tảng quản lý toàn diện hoạt động vận hành của chuỗi khách sạn và nền tảng công nghệ cho phép phát triển các ứng dụng số cho ngành du lịch – khách sạn.

VinID mở rộng quy mô chương trình khách hàng thân thiết với mục tiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, phát triển dịch vụ thanh toán và tính năng phân tích dữ liệu bằng thuật toán nhằm đưa ra các giải pháp khuyến mại, gợi ý, tìm kiếm hàng ngày trở nên thông minh hơn.

Ở mảng Bất động sản: Vinhomes tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm để tiếp cận đối tượng khách hàng trong nhiều phân khúc từ trung cấp đến cao cấp và dự kiến mở bán thêm 3 dự án mới tại Hà Nội và Hưng Yên. Bên cạnh đó, Vinhomes triển khai nghiên cứu khả thi để phát triển các khu công nghiệp.

Trong lĩnh vực Bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục mở rộng mạng lưới dự án và đảm bảo độ phủ cao, giữ vững vị thế số một về số lượng TTTM, thị phần và chất lượng.

Vincom Retail tiếp tục nghiên cứu và phát triển các mô hình TTTM, mang tới nhiều trải nghiệm ẩm thực, vui chơi, giải trí kết hợp ứng dụng công nghệ tiên tiến để thu hút ngày càng nhiều khách hàng từ mọi lứa tuổi và đáp ứng nhu cầu mua sắm của mọi đối tượng.

Ở mảng Du lịch nghỉ dưỡng - Vui chơi giải trí: Vinpearl sẽ đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các hãng hàng không nội địa để mở các đường bay cố định trong nước và quốc tế tới các địa phương có cơ sở của Vinpearl, cung cấp các gói du lịch trọn gói cao cấp nhằm tăng số lượng khách tới hệ thống khách sạn.

Để trực tiếp tiếp cận thị trường và xúc tiến việc quảng bá sản phẩm du lịch, Vinpearl sẽ mở văn phòng đại diện tại các thị trường chiến lược.

Ngoài ra, Vinpearl sẽ giới thiệu dòng khách sạn ba sao mới dưới thương hiệu VinHoliday nhắm tới phân khúc khách hàng phổ thông và lựa chọn một số thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế nổi tiếng để quản lý một số khách sạn của Vinpearl nhằm tăng sự lựa chọn của khách hàng.

Bên cạnh đó, theo chiến lược mới, các VinWonders sẽ được xây dựng theo mô hình chuỗi Công viên chủ đề với diện tích tối thiểu 50 ha, tập trung tại các thành phố lớn và các thành phố du lịch nổi tiếng. Dự án mở rộng VinWonders Phú Quốc và một số hạng mục mới tại VinWonders Nha Trang dự kiến sẽ được hoàn tất và đưa vào vận hành vào tháng 4/2020.

Ở mảng Y tế: Vinmec dự kiến phát triển trung tâm chăm sóc y tế từ xa Virtual Care – đây sẽ là chiến lược sản phẩm nòng cốt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Vinmec sẽ phát triển mô hình và sản phẩm mới phù hợp với xu hướng chuyển từ chữa bệnh sang phòng bệnh.

Cuối cùng ở mảng giáo dục: Vinschool dự kiến mở mới một số cơ sở Mầm non và Phổ thông liên cấp tại Hà Nội và Hà Tĩnh, nâng tổng số học sinh trên toàn hệ thống lên 33.300 trong năm học 2020 – 2021.

VinUni dự kiến hoàn thiện việc lắp đặt trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và xây dựng toàn bộ đề cương chi tiết, tài liệu dạy – học của chương trình tiếng Anh English Pathway.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN