Nhà đầu tư ‘việt vị’ khi ông Trịnh Văn Quyết phá vỡ lời hứa với cổ đông

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC vừa thực hiện một loạt giao dịch mua vào, bán ra hàng triệu cổ phiếu của các đơn vị thành viên, đặc biệt là sau khi ông từ nhiệm vị trí Chủ tịch Công ty cổ phần FLC Faros (ROS). Động thái này, đã đi ngược với những lời hứa của ông Quyết về tỷ lệ sở hữu lẫn giá cổ phiếu trong ĐHCĐ trước đó khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào thế “việt vị”. 

Xuất hiện những phiên giao dịch lịch sử

Phiên giao dịch ngày 10-4 đánh dấu là một phiên giao dịch lịch sử của cổ phiếu ROS với khối lượng khớp lệnh kỷ lục đạt 82,3 triệu đơn vị, cao nhất kể từ thời điểm ROS chính thức niêm yết. Trong khi nhiều nhà đầu tư còn đang băn khoăn ai là người bán ra thì đến ngày 16-4 (6 ngày sau phiên khớp lệnh lịch sử của ROS), các diễn đàn đầu tư lan truyền báo cáo công bố chính thức về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Trịnh Văn Quyết.

Cụ thể, theo báo cáo, ông Quyết đã thực hiện bán 53,8 triệu cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của mình cùng người có liên quan xuống còn 42,15 % tại FLC Faros, thay cho tỷ lệ hơn 51% trước đó.

Ông Quyết đưa ra lý do cho động thái bán hàng chục triệu cổ phiếu ROS lần này là để giảm tỷ lệ sở hữu, ngoài ra, không có thêm bất kỳ thông tin nào được chia sẻ. Trong giai đoạn cuối 2019 – đầu 2020, ông Quyết cũng đã bán tổng cộng 91 triệu cổ phiếu  ROS.

Nha dau tu ‘viet vi’ khi ong Trinh Van Quyet pha vo loi hua voi co dong
 Ông Trịnh Văn Quyết là doanh nhân đưa ra rất "hào phóng" lời hứa với cổ đông nhưng ít khi thực hiện. Ảnh: FLC

Còn nhớ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của ROS, ông Quyết từng chia sẻ rằng "sẽ không bán cổ phần trong năm nay (năm 2019) và cũng chưa có kế hoạch bán trong các năm sau". Chi tiết này sau đó đã được truyền thông trong nước đăng tải rộng rãi.

Và với quyết định bán gần 54 triệu cổ phiếu ROS vừa qua của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng khi lời hứa đã bị phá vỡ. Nhất là giao dịch này diễn ra vài chỉ vài ngày sau khi ông Quyết rời khỏi vị trí chủ tịch HĐQT của FLC Faros.

Ngay sau phiên giao dịch kỷ lục của cổ phiếu ROS, doanh nghiệp mà ông Quyết sở hữu là Tập đoàn FLC đã thông qua chủ trương nâng sở hữu tại FLC Travel lên tối đa 79,2% từ việc mua cổ phần từ các cổ đông hiện hữu.

FLC Travel là doanh nghiệp đã ghi dấu ấn đáng kể trên chặng đường của những cái tên đình đám liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là Xây dựng FLC Faros cùng Đầu tư Thương mại và Xuất Nhập khẩu CFS (KLF).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, FLC không trực tiếp sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại FLC Travel, trong khi đó, KLF vẫn nắm giữ 36,6% FLC Travel tính đến cuối năm 2019. Như vậy, khá chắc chắn FLC sẽ mua một phần lượng cổ phần FLC Travel mà KLF sở hữu để có thể hoàn tất trọn vẹn thương vụ, nếu nó xảy ra.

Về mối liên hệ với ROS, chính FLC Travel là tổ chức đã tham gia góp vốn vào ROS trong đợt tăng vốn đầu tiên lên 225 tỉ đồng của đơn vị này. Thậm chí, ngay cả ROS cũng từng là một cổ đông lớn tại FLC Travel, với tỷ lệ sở hữu lên đến 63,3% (cuối quí 3-2017), và đã có thời điểm bày tỏ ý định thâu tóm toàn bộ FLC Travel với mục đích đầu tư giai đoạn 2 một dự án nghỉ dưỡng tại Vĩnh Phúc giá trị 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2017, ROS bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại FLC Travel.

Sau thời gian dài im ắng, giờ đây cái tên FLC Travel có lẽ sẽ được nhắc lại thêm lần nữa với những thông tin vừa công bố của FLC. Dù vậy, văn bản đề ngày 16-04 của FLC không nêu rõ chi tiết ai là bên bán trong thương vụ xoay quanh FLC Travel.

Nhà đầu tư luôn rơi vào thế “việt vị” sau giao dịch

Xoay quanh những giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết vẫn thường xuất hiện những thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” FLC. Dù các doanh nghiệp này hoạt động độc lập nhưng đều do ông Quyết cầm trịch thông qua việc sở hữu lượng lớn cổ phiếu.

Một trong những lý do khiến cổ phiếu ROS thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đến từ kế hoạch sáp nhập với Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC  (GAB). Khi GAB là bên nhận sáp nhập thì đây được đánh giá là một cuộc sáp nhập ngược nếu xét vốn hóa của 2 bên.

Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường, đa số nhận định việc mua vào cổ phiếu ROS trong bối cảnh chênh lệch thị giá khủng khiếp giữa ROS và GAB sẽ nắm giữ nhiều lợi thế khi thương vụ sáp nhập xảy ra, bất chấp tỷ lệ quy đổi chưa được công bố.

Tuy nhiên, nhận định trên có phần lung lay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán ra một lượng lớn cổ phiếu, bất chấp HĐQT GAB đặt mục tiêu tăng 30% lợi nhuận trong năm 2020, trái ngược với ROS đặt mục tiêu giảm 70% lãi. Điều làm cho thương vụ này đáng chú ý hơn nữa là khi ông Quyết rời bỏ vị trí lãnh đạo ROS ngay sau khi phương án sáp nhập được thông qua.

Nha dau tu ‘viet vi’ khi ong Trinh Van Quyet pha vo loi hua voi co dong-Hinh-2
Biến động "dị thường" về thị giá của cổ phiếu ROS trong những năm qua khiến nhiều nhà đầu tư "việt vị". Đồ thị: Vietstock 

Với việc từ bỏ vai trò này, ông Quyết không phải thông báo trước 3 ngày khi thực hiện giao dịch với cổ phiếu ROS đối với tư cách Chủ tịch HĐQT. Khi đó, nghĩa vụ duy nhất mà ông phải thực hiện là công bố sau 7 ngày thực hiện giao dịch với vai trò là cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần doanh nghiệp theo Thông tư 155 của bộ Tài chính.

Nhiều nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua vào đối với cổ phiếu ROS nhằm đón sóng sáp nhập có lẽ đã cảm thấy “hụt hẫng” sau khi báo cáo giao dịch của ông Quyết được công bố. Với việc rời bỏ vị trí "thuyền trưởng" cũng như từ bỏ một lượng lớn cổ phiếu ROS, các cổ đông không khỏi băn khoăn về triển vọng tương lai của doanh nghiệp này. quý

Động thái “xả hàng” lượng lớn của ông Quyết hẳn sẽ không khỏi khiến cho các cổ đông khác của ROS phải cân nhắc về vị thế nắm giữ của mình.

Hơn nữa, cách đây không lâu, ông Quyết cũng đã nâng sở hữu tại GAB từ 0% lên mức 7,97% và trở thành cổ đông lớn tại đây cũng là điều khiến nhiều nhà đầu tư chú ý. Những động thái trùng khớp với cách ông Quyết làm với ROS trước đây làm dấy lên nhiều câu hỏi. Liệu rằng sắp tới đây, ông Quyết có nắm giữ một vị trí mới trong HĐQT GAB và đưa doanh nghiệp này trở thành trung tâm của cuộc cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp “họ” FLC? Hay liệu rằng GAB có phải là lời giải của kỳ vọng thị giá “ba chữ số” dành cho tất cả các cổ phiếu ROS, Bamboo Airways và FLCHomes?

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAB đã tăng trên 790% kể từ đầu năm 2020. Những bước tăng giá của GAB làm sống dậy hình ảnh của những ROS giai đoạn từ tháng 9-2016 đến 4-2017, FLC giai đoạn 11-2011 đến 3-2012. Và những gì diễn ra sau đó đã là lịch sử khi các mã này từ mức giá hàng trăm ngàn rơi về dưới mệnh giá.

Trong top những tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết là người có nhiều “lời hứa” về giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Trong mỗi lần gặp gỡ nhà đầu tư những lời hứa hẹn về giá cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu thậm chí còn lấy sự “sống còn” của doanh nghiệp ra cam kết. Tuy nhiên cứ mỗi chu kỳ tài chính qua đi những lời hứa này ông Quyết không những không thực hiện được mà còn nhiều lần hành động ngược với những gì đã tuyên bố.

“Thuyền trưởng” của Tập đoàn FLC là một doanh nhân được cho là thành đạt khi tuổi đời còn khá trẻ, nhưng cũng là người có nhiều dư luận trái chiều về ứng xử trong kinh doanh. Cứ sau mỗi lần ông Quyết thực hiện giao dịch nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu liên quan đến ông lại đứng ngồi không yên.

Theo V.Dũng/Thời báo Kinh tế Sài Gòn

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN