MCG quyết định đổi tên khi gặp vận đen thua lỗ, cổ phiếu tiếp tục bị kiểm soát

Sở tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu MCG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo căn cứ vào BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty.
Ngày 30/8/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã nhận được Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên của Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (HoSE: MCG).
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 tại BCTC hợp nhất soát xét của MCG tiếp tục âm 15,5 tỷ đồng và LNST chưa phân phối tính đến ngày 30/6/2021 âm 346,2 tỷ đồng.
Như vậy, căn cứ theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2021 Công ty cổ phần Cơ điện và Xây dựng Việt Nam vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.
Sở tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu MCG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo căn cứ vào BCTC kiểm toán năm 2021 của Công ty.
Trước đó, hồi năm 2018, Sở GDCK TP.HCM đã có quyết định đưa cổ phiếu MCG của CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam vào diện kiểm soát kể từ ngày 16/11/2018 để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Nguyên nhân do BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2018 của MCG có ý kiến ngoại trừ trọng yếu và điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2017 dẫn tới LNST chưa phân phối tại 31/12/2017 âm 168 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu MCG hiện chỉ còn quanh mức giá trà đá khi chốt phiên ngày 9/9 tại mức 3.400 đồng/cp, thanh khoản cổ phiếu èo uột chỉ với vài chục ngàn đơn vị mỗi phiên.
MCG quyet dinh doi ten khi gap van den thua lo, co phieu tiep tuc bi kiem soat
 
Tại BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2021 của MCG, kiểm toán cho biết không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng về tính hiện hữu, chính xác của một số khoản công nợ phải thu, phải trả tại ngày 30/06/2021.
MCG cho biết tại thời điểm kết thúc quý 2/2021, Công ty chưa thu thập được đầy đủ đối chiếu công nợ phải thu, phải trả của các khách hàng, nhà cung cấp và các đối tác. Điều này do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị của UBND Hà Nội và đặc điểm hoạt động của MCG là có các công trình trải dài từ Bắc đến Nam.  
Ngoài ra, MCG cũng bị lưu ý về khoản nợ phải trả quá hạn, khoản lỗ lũy kế tại 30/06/2021, đồng thời Công ty đang bị cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn do tồn đọng thuế có thể ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục.
Về việc này, MCG cho biết Chủ tịch HĐQT – ông Nguyễn Ngọc Bình đồng thời là cổ đông lớn cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính bằng cách cho vay tài chính để Công ty tiếp tục hoạt động.
Về khoản nợ phải trả quá hạn, đây là khoản nợ liên quan đến các công trình chưa quyết toán với các chủ đầu tư và một số khoản phải trả thương mại khác. Kế hoạch 6 tháng cuối năm, Công ty dự kiến hoàn thành quyết toán các công trình để xác định số nợ phải trả chính xác với các đối tác và thực hiện chi trả hoặc bù trù qua chủ đầu tư tùy tình hình thực tế.
Về khoản lỗ lũy kế đến 30/06/2021, MCG cho biết nguyên nhân chủ yếu do Công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho lâu ngày chậm luân chuyển.
Về vấn đề thuế, trong 8 tháng đầu năm 2021, MCG đã nộp ngân sách 14 tỷ đồng. Trong 4 tháng cuối năm, Ban lãnh đạo đã đưa ra một số biện pháp nhằm giải quyết nợ thuế như: Đẩy mạnh nghiệm thu, thanh toán các công trình đang thực hiện; tổ chức quyết toán, bù giá các công trình đã thi công xong...
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021, MCG lỗ hơn 15 tỷ đồng. Công ty cho biết kết quả lỗ do trong kỳ thực hiện dự phòng giảm giá hàng tồn kho lâu ngày chậm luân chuyển và dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Đầu tư thủy điện An Pha, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm so cùng kỳ.
Lý do phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư là Thủy điện Nậm Hóa không có nước do thời tiết khô hạn nên doanh thu phát hiện không đủ bù đắp chi phí khấu hao và lãi vay ngân hàng. 
Trước loạt khó khăn, MCG vừa quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi tên công ty, tuy nhiên chưa công bố cụ thể.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN