Loạt vấn đề 'rối rắm' tại Vận chuyển Sài Gòn Tourist

Loạt vấn đề tại Sài Gòn Tourist như bị cổ đông lớn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nguyên Tổng giám đốc trốn tránh thi hành án, bị xử lý vi phạm về thuế... sẽ được bàn tại ĐHĐCĐ.
Hôm nay 23/6, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Sài Gòn Tourist, UPCoM: STT) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên để bàn về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với kế hoạch doanh thu gần 41 tỷ đồng và có lãi 556 triệu đồng.
Trong khi đó, năm 2022, Sài Gòn Tourist ghi nhận doanh thu 31,7 tỷ đồng, nhưng thu không đủ bù chi khiến công ty thua lỗ 381 triệu đồng. Mức lỗ này khiến lỗ luỹ kế lên 107,5 tỷ đồng nên công ty không chia cổ tức năm 2022.
Loat van de 'roi ram' tai Van chuyen Sai Gon Tourist
 Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của STT
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh chưa khởi sắc, Sài Gòn Tourist lên kế hoạch chào bán 1 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp. Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 10 tỷ đồng được dùng để bổ sung nguồn vốn phát triển các hoạt động kinh doanh hiện tại của công ty.
Đặc biệt, Đại hội lần này của Saigon Tourist sẽ bàn về việc thay đổi nhãn hiệu công ty để tránh nhầm lẫn. Cụ thể, năm 2018, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã có thông báo yêu cầu Sài Gòn Tourist thay đổi nhãn hiệu nêu không sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp, xử lý các vi phạm nhãn hiệu độc quyền và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Hiện nay hai bên vẫn có mối quan hệ chặt chẽ trong vấn đề kinh doanh, rất cần thiết cho Sài Gòn Tourist.
Hơn nữa nhãn hiệu Sài Gòn Tourist đăng ký đã bị cơ quan bảo hộ từ chối do gây nhầm lẫn, tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn.
Để tránh rủi ro kiện tụng, Sài Gòn Tourits một lần nữa đề nghị ĐHĐCĐ thông qua việc thay đổi nhãn hiệu này dù trước đó đã nhiều lần cổ đông không chấp thuận.
Cổ đông lớn nhiều lần tự ý nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản nhưng bất thành
HĐQT Sài Gòn Tourist cho biết, cho đến thời điểm này, do sự không đồng thuận trong nội bộ thành viên HĐQT cũng như các cổ đông lớn, HĐQT và ĐHĐCĐ đã không thể thông qua những quyết định quan trọng đối với bộ phận taxi nói riêng và Sài Gòn Tourist nói chung. Do đó, Sài Gòn Tourist đã không thể nào mở rộng quy mô kinh doanh taxi. Đội ngũ điều hành hiện tại chỉ đang cố gắng cầm cự và duy trì bộ máy kinh doanh.
Bên cạnh những khó khăn liên quan đến tình hình kinh doanh, Saigon Tourist đang phải giải quyết hàng loạt vụ kiện tại tòa án, đơn tố cáo đến các sở ban ngành của ông Nguyễn Văn Hồng, Thành viên HĐQT. Ông Hồng đồng thời là cậu ruột của Thành viên HĐQT Đinh Quang Phước Thanh.
Ngoài ra, từ năm 2015 đến năm 2022, ông Nguyễn Văn Hồng và ông Đinh Quang Phước Thanh không tham dự hầu hết các cuộc họp HĐQT tổ chức lần thứ nhất mà chỉ tham gia khi được mời họp lần thứ hai và thường xuyên có hành vi cản trở hoạt động của HĐQT.
Hơn hết trong năm 2020, ông Hồng đã lợi dụng quyền cổ đông lớn nhiều lần tự ý nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản Sài Gòn Tourist, tuy nhiên Tòa án Nhân dân TPHCM đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản.
Theo Sài Gòn Tourist , mặc dù những vụ kiện, yêu cầu này không mang đến những kết quả như nhóm ông Hồng kỳ vọng nhưng những hành vi này đã và đang thực hiện đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho Sài Gòn Tourist về uy tín, tiền bạc, thời gian nói chung và tác động tiêu cực nặng nề đến hoạt động kinh doanh mới vừa được ổn định của Sài Gòn Tourist nói riêng.
Đặc biệt, gây ra thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với quyền và lợi ích của những cổ đông khác khi làm hoang mang trong dư luận dẫn đến giá cổ phiếu STT trên sàn giao dịch bị sụt giảm trầm trọng, không thể khắc phục.
Loat van de 'roi ram' tai Van chuyen Sai Gon Tourist-Hinh-2
 
Nguyên Tổng giám đốc Đinh Quang Hiền trốn tránh nghĩa vụ thi hành án 
Về thu hồi công nợ, mặc dù đã cố gắng nhưng vì các công ty dưới đây không hoạt động và không có tài sản, HĐQT v Tourist vẫn chưa thực sự thành công trong việc thu hồi các khoản nợ nghiêm trọng do lãnh đạo trước đề lại. Cụ thể như công nợ của ông Đinh Quang Hiền, nguyên Tổng giám đốc Sài Gòn Tourist là 2,9 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Phát triển An Thiện Nhân 9,8 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Tài chính Đất Việt 38 tỷ đồng; CTCP Ô tô Vận tải Vina Đông Đương 12,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Du lịch Huyền Trang 600 triệu đồng.
Trong đó, theo Sài Gòn Tourist, với công nợ của ông Đinh Quang Hiền, do các hành vi sai phạm trong quản lý, tạo đặc quyền, đặc lợi cho con trai (ông Đinh Quang Phước Thanh) trong thời gian đương nhiệm chức vụ Tổng giám đốc nên công ty đã khởi kiện ông Đinh Quang Hiền ra TAND để được giải quyết.
Căn cứ theo Bản án sơ thẩm năm 2018 và Quyết định thi hành án năm 2019, thì ông Đinh Quang Hiền có nghĩa vụ thi hành án, phải bồi thường cho Sài Gòn Tourist số tiền thiệt hại là 2,9 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thi hành án đã tiến hành phong tỏa cổ phiếu của ông Định Quang Hiền. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay ông Hiền chưa thi hành bất kỳ khoản tiền nào cho Sài Gòn Tourist.
Ngày 4/3/2022, Chi cục Thi hành án Dân sự Quận 1 đã tiến hành kê biên toàn bộ 161.405 cổ phiếu STT của ông Đinh Quang Hiền để thi hành án cho Sài Gòn Tourist.
Tuy nhiên, ngày 28/2/2022, bà Nguyễn Thị Phước là vợ ông Đinh Quang Hiền đã khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân TP Thủ Đức chia toàn bộ 161.405 cổ phiếu STT của ông Hiền trong thời kỳ hôn nhân cho bà Phước với lý do là số tiền mua cổ phiếu STT là tiền cá nhân của bà Phước.
Theo Sài Gòn Tourist, việc làm này của bà Nguyễn Thị Phước và ông Đinh Quang Hiền nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án đối với tài sản của ông Đinh Quang Hiền cho Sài Gòn Tourist.
Hiện tại Sài Gòn Tourist đã gửi đơn khiếu nại và đơn kiện đến cơ quan thi hành án cũng như tòa án và công an đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thị Phước và ông Đinh Quang Hiền.
Đối với các công nợ còn lại, sau khi kiểm tra, đánh giá các chứng từ, tài liệu liên quan do việc xác lập còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra tình trạng đối tác dẫn đến thiếu sót tài liệu chứng minh nợ do Ban điều hành cũ thực hiện từ 2010, 2011... tất cả các khoản nợ này đã được Sài Gòn Tourist trích lập dự phòng 100%.
Nguồn cơn bị xử lý vi phạm về thuế hơn 7,2 tỷ đồng giai đoạn 2007-2012
Mặt khác, Sài Gòn Tourist đã phải gánh chịu khoản phạt vi phạm về thuế lên đến 7,2 tỷ đồng phần lớn do những vi phạm từ những năm 2007 đến năm 2012 lên đến 80%. Trong đó chủ yếu là do Sài Gòn Tourist bị loại trừ các chi phí liên quan đến ông Đinh Quang Phước Thanh tiêu tại Việt Nam và Singapore như điện thoại, công tác phí, giao tế, chi phí thuê nhà tại Singapore ký giữa cá nhân ông Thanh và chủ nhà, thanh toán trực tiếp với chủ nhà bằng tiền mặt...
Đồng thời, số tiền nộp phạt chủ yếu xuất phát từ việc Sài Gòn Tourist không khấu trừ thuế thu nhập cá nhân từ việc chia cổ tức năm 2007, 2008, 2009, 2010, 2011.
Theo Sài Gòn Tourist, đây là một gánh nặng vô cùng lớn cho Công ty trong thời điểm hiện nay nhưng tính đến tháng 2/2021, Công ty vẫn đã nộp 7,2 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Sau hơn một năm hoạt động, mặc dù các hoạt động kinh doanh Sài Gòn Tourist đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Hiện trạng công ty mẹ không có khả năng đầu tư nên tương lai khó có thể cạnh tranh được với các đối tác khác.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN