Lãnh đạo Vietnam Airlines nói gì trước nguy cơ hủy niêm yết?

Vào thời điểm này, Vietnam Airlines chưa nghĩ đến kịch bản cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Vào đầu tháng 9/2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có văn bản lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, tại ngày 30/6/2022, Vietnam Airlines đang âm vốn chủ sở hữu 4.897 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã liên tiếp thua lỗ trong năm 2020, 2021 và nửa đầu 2022, đồng thời lỗ lũy kế 28.904 tỷ, vượt 6.760 tỷ đồng so với vốn điều lệ thực góp (22.144 tỷ)
Theo quy định tại Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Như vậy, để không bị hủy niêm yết theo đúng quy định, Vietnam Airlines chỉ có 2 cách.
Thứ nhất, lãi lớn trong 6 tháng cuối năm. Trong nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã lỗ sau thuế 5.237 tỷ đồng. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, doanh nghiệp này cần có lãi tối thiểu là 5.237 tỷ đồng để không ghi nhận năm thứ 3 thua lỗ.
Thứ hai, tăng vốn chủ sở hữu thêm tối thiểu 6.760 tỷ đồng để xóa bỏ tình trạng lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp cũng như âm vốn chủ sở hữu.
Lanh dao Vietnam Airlines noi gi truoc nguy co huy niem yet?
 Lãnh đạo HVN lên tiếng sau khi nhận cảnh báo về nguy cơ huỷ niêm yết.
Trao đổi với báo chí 14/9, đại diện Vietnam Airlines lên tiếng sau khi nhận được tín hiệu cảnh báo về nguy cơ phải hủy niêm yết: “Vào thời điểm này, Vietnam Airlines chưa nghĩ đến kịch bản cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HoSE. Chúng tôi vẫn còn cơ hội để vốn chủ sở hữu không bị âm tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2022”.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, đơn vị đang triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 nhóm giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu gồm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền (2022 – 2025); phát hành cổ phiếu tăng chủ sở hữu (2023 – 2025).

Vietnam Airlines chia sẻ đang làm việc với 3 đối tác về chuyển nhượng cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines. Nếu thành công, Vietnam Airlines vừa có thêm nguồn thu vừa giảm lỗ hợp nhất. Hiện Pacific Airlines lỗ khoảng 7-8 nghìn tỷ đồng, trong khi Vietnam Airlines nắm 98% cổ phần tại Pacific Airlines. Nếu bán được Pacific Airlines, Vietnam Airlines sẽ giảm lỗ ngay 6.000-7.000 tỷ đồng.

Năm 2021, Vietnam Airlines từng đề xuất một đặc cách không hủy niêm yết trên HoSE dù âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên sau đó, bằng các giải pháp “nỗ lực tự thân” với sự hỗ trợ từ Chính phủ, hãng bay đã không phải sử dụng đến đặc cách này.
Cụ thể, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ của hãng lên hơn 22.143 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng. Hoạt động này đã giúp Tổng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn khi đó.
Theo đại diện của công ty, tình huống năm 2022 cũng khá tương đồng.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN