Kỳ vọng gì cho doanh nghiệp phân bón thời gian tới?

Chứng khoán Agribank vừa có báo cáo triển vọng ngành phân bón với kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành khả quan trong năm 2021 dù giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022.
Tới tháng 9/2021, giá tất cả các loại phân bón đều đã tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020, trong đó giá phân DAP tăng 125%, giá phân Urea tăng 121%, giá phân lân tăng 130%.
Đây là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp phân bón có kết quả kinh doanh rất tốt trong 6 tháng đầu năm. Nổi bật như Đạm Phú Mỹ (DPM) với lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 đạt 684 tỷ đồng, tăng 126% so với kế hoạch; Đạm Cà Mau (DCM) lãi 6 tháng 434 tỷ đồng, đã đạt 117% kế hoạch cả năm; Phân bón Bình Điền (BFC) lãi 113 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi kế hoạch). 
Ky vong gi cho doanh nghiep phan bon thoi gian toi?-Hinh-3
 
Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón khả quan trong năm 2021 dù giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí cước vận tải vẫn sẽ duy trì ở mức cao; đồng thời chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước; và nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch Covid-19 để đảm bảo an ninh lương thực.
Ngoài ra, kỳ vọng chính sách thuế GTGT sửa đổi đối với mặt hàng phân bón (dự kiến 5%). Khi dự thảo được thông, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào, giúp giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân Urea sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do chênh lệch thuế giữa đầu vào và đầu ra lớn.
Ky vong gi cho doanh nghiep phan bon thoi gian toi?-Hinh-4
 
Cũng theo Agriseco Research, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch bệnh, ngành phân bón vẫn là một trong số ít ngành được hưởng lợi và kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021.
Mặc dù một số cổ phiếu giá đã tăng tương đối mạnh, mức định giá không còn hấp dẫn, tuy nhiên Agriseco Research đánh giá vẫn có nhiều cơ hội đầu tư khi kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm tiếp tục tăng trưởng. Agriseco Research lựa chọn một số cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, hưởng lợi từ chính sách cũng như đà tăng giá của phân bón. Đây sẽ là những cơ hội tích lũy cổ phiếu tại các nhịp giảm điểm của thị trường và kỳ vọng tăng giá trong 3 - 6 tháng tới.
Trong đó, Đạm Phú Mỹ là doanh nghiệp đầu ngành, có thị phần số 1 về phân Ure với lợi thế thương hiệu mạnh và kênh phân phối rộng khắp cả nước, mảng hóa chất NH3 của doanh nghiệp còn tiềm năng để tăng trưởng trong tương lai. Giá phân Ure trong nước đang trên đà tăng mạnh, Agriseco Research cho rằng đà tăng giá phân bón có thể vẫn duy trì ở mức cao trong phần còn lại năm 2021 và 2022. Về mặt định giá, hiện nay DPM đang được giao dịch với mức định giá P/E là 12-13x, P/B là 1,6x. Đối với một ngành nghề đã bão hòa và mang tính chu kỳ, đây là một mức định giá phù hợp và không còn hấp dẫn. Tuy nhiên những thông tin hỗ trợ tích cực sẽ là cơ hội của nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Còn Đạm Cà Mau là doanh nghiệp sở hữu nhà máy và công nghệ sản xuất hiện đại hàng đầu Việt Nam. Trong năm 2021, DCM mới đưa vào vận hành nhà máy sản xuất phân phức hợp NPK với công suất 300.000 nghìn tấn/năm tạo ra cơ hội tăng trưởng cho DCM. Mới đây Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, đây là cơ hội để cải thiện thị phần trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu. Về mặt định giá, DCM đang giao dịch với mức định giá P/E là 16x, P/B gần 2x. Mặc dù kỳ vọng trên đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu sau giai đoạn tăng rất mạnh vừa rồi, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ với KQKD tích cực và những thông tin hỗ trợ đà tăng trong ngắn hạn.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN