Khách hàng có công nợ 167 tỷ đồng với May Sông Hồng nộp đơn xin phá sản

New York & Co. là một trong 3 khách hàng truyền thống đóng góp 25% doanh thu xuất khẩu FOB 9 tháng đầu năm 2018 của May Sông Hồng.
Theo Washington Post, nhà bán lẻ thời trang nữ RTW Retailwinds đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và sẽ đóng hết các cửa hàng. Công ty mẹ của New York & Co. cho biết đã bắt đầu đóng cửa và thanh lý một vài trong gần 400 cửa hàng tại 32 bang. Danh mục đầu tư của công ty bao gồm New York & Co., Fashion to Figure và dòng thời trang Happy x Nature của Kate Hudson. 
Khach hang co cong no 167 ty dong voi May Song Hong nop don xin pha san
Nguồn: Bloomberg news 
New York & Co. là một trong 3 khách hàng truyền thống của May Sông Hồng (HoSE: MSH) ở mảng kinh doanh hàng xuất khẩu FOB (tự chủ từ nguyên liệu đến thành phẩm). Doanh thu từ khách hàng này từng chiếm 25% doanh thu theo mảng FOB, theo số liệu 9 tháng đầu năm 2018.
May Sông Hồng có 2 mảng kinh doanh chính là sản phẩm may mặc (hàng xuất khẩu FOB, gia công) và chăn, ga, gối, đệm. Trong đó, mảng FOB đóng góp doanh thu và lợi nhuận chủ yếu.
Theo Chứng khoán VNDirect, doanh thu mảng FOB năm 2019 ước tính đóng góp khoảng 76,4% doanh thu May Sông Hồng; mảng gia công khoảng 16,4%. Tỷ trọng đóng góp của mảng FOB, có biên lợi nhuận cao hơn, tăng trong khi mảng gia công giảm đã giúp lợi nhuận May Sông Hồng tăng trưởng năm 2019.
Tính đến 31/3, May Sông Hồng có khoản phải thu khách hàng ngắn hạn 166,7 tỷ đồng với Công ty TNHH New York & Company, chiếm 38% khoản phải thu và gấp 3,5 lần thời điểm đầu năm. Việc công ty mẹ của khách hàng quan trọng mở thủ tục phá sản nhiều khả năng buộc May Sông Hồng phải trích lập dự phòng làm giảm lợi nhuận.
Vào quý IV/2018, Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) cũng gặp tình huống tương tự khi Công ty Sears Holding (công ty mẹ của Sears, Roebuck và Kmart chiếm 7% doanh thu hằng năm của đơn vị) nộp đơn phá sản lên tòa án Mỹ. Việc này khiến TCM phải trích lập dự phòng phải thu số tiền 78,6 tỷ đồng làm giảm lợi nhuận (tại thời điểm 30/9, TCM có khoản phải thu 95 tỷ đồng từ 2 đối tác trên).
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhiều thương hiệu thời trang đã phải tuyên bố phá sản, đóng cửa hàng loạt ở Mỹ và châu Âu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may. Với May Sông Hồng, 90% giá trị xuất khẩu là thị trường Mỹ nên mức độ ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Trong quý đầu năm, các hợp đồng và đơn hàng FOB của doanh nghiệp bị tạm dừng hoặc hủy. Theo đó, doanh thu quý I giảm 32% xuống 939 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 23% xuống 63,8 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng, giảm 27% và lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, giảm 54%.
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch công ty cho biết không chỉ gặp khó trong đơn hàng, việc phụ thuộc nguyên phụ liệu vào Trung Quốc cũng là vấn đề thách thức. Phải đến 2021, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới có thể trở lại bình thường.
Trước thông tin khách hàng quan trọng nộp đơn phá sản, cổ phiếu May Sông Hồng phiên ngày 16/7 giảm sàn xuống 31.750 đồng/cp, giảm 31,7% trong vòng 6 tháng qua.
Khach hang co cong no 167 ty dong voi May Song Hong nop don xin pha san-Hinh-2
 Nguồn: VNDirect
Theo Tường Như/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN