Hàng loạt doanh nghiệp BOT niêm yết ‘chết lâm sàng’

Dịch bệnh COVID-19 khiến doanh thu tại các trạm BOT sụt giảm, qua đó cũng làm bức tranh kinh doanh quý 3/2021 của nhiều doanh nghiệp BOT ảm đạm.
 
Theo báo cáo mới nhất về kết quả kinh doanh quý 3, nhiều doanh nghiệp BOT có kết quả khá ảm đạm, điển hình là CTCP Tasco (HUT) thua lỗ trong 6 quý liên tiếp, theo đó lỗ lũy kế lên tới 53 tỷ đồng, riêng quý 3/2021, Tasco báo lỗ gần 73 tỷ đồng.
Trong nhiều năm qua, Tasco được xem là ông trùm BOT với các dự BOT khắp nơi. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty gần đây đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, chủ yếu do tác động từ hình thức đầu tư BOT, bao gồm những bất cập về chính sách và yếu tố khách quan của dịch bệnh.
Tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây, Tasco tiếp tục thống nhất định hướng tái cấu trúc mạnh mẽ, tập trung vào các ngành nghề và lĩnh vực hoạt động chính vào lĩnh vực hạ tầng thiết yếu như giao thông, thu phí tự động không dừng, y tế...
Cùng cảnh ngộ với Tasco, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng sủa trong quý 3 với doanh thu đạt 258 tỷ đồng, giảm 1.563 tỷ đồng so với cùng kỳ.
CII hoạt động chính tại khu vực miền Nam. Việc tạm ngừng thu phí đối với các dự án giao thông và tạm dừng thi công các dự án hạ tầng cơ sở, bất động sản theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp.
CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng IDICO (HTI) cũng rơi vào tình cảnh tương tự, riêng quý 3, doanh thu thuần chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm tới 80% so với cùng kỳ. Lãi gộp 11 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 15 tỷ đồng.
Theo HTI, nguyên nhân thua lỗ là do trạm thu phí An Sương - An Lạc đã tạm dừng thu phí để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 20/7 đến ngày 2/10. Việc tạm dừng thu phí đã làm cho doanh thu phí sử dụng đường bộ trong quý 3/2021 của Công ty giảm 81 tỷ đồng.
Hay như CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) cũng ghi nhận lỗ quý 3 hơn 6 tỷ đồng khi doanh thu giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước với những lý do tương tự.
Bên cạnh đó, CTCP BOT Cầu Thái Hà (BOT) tiếp tục ghi nhận quý thứ 11 lỗ liên tiếp. Theo giải trình, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến lưu lượng xe giảm đáng kể, do đó doanh thu giảm mạnh. Thêm vào đó, gánh nặng trả lãi vay khiến BOT lỗ tiếp 23,8 tỷ đồng trong quý 3/2021, hầu như không thay đổi so với số lỗ 24 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2020.
Tính chung 9 tháng năm 2021, BOT Cầu Thái Hà lỗ 74,7 tỷ đồng, tăng 4,2 tỷ đồng so với số lỗ 70,5 tỷ đồng ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9 năm nay đã lên đến gần 268 tỷ đồng.
Hang loat doanh nghiep BOT niem yet ‘chet lam sang’
 
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc kết quả kinh doanh không tốt là do việc tạm dừng thu phí đối với các dự án giao thông và tạm dừng thi công các dự án hạ tầng cơ sở, bất động sản do dịch COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo số thu dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác quý 3/2021.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay trong quý 3, có 54 dự án đang thu phí hoàn vốn với tổng số thu 1.732 tỷ đồng với số thu tháng 7 là hơn 727 tỷ đồng, tháng 8 là hơn 431 tỷ đồng và tháng 9 là 573 tỷ đồng. Lũy kế số thu năm 2021 là 8.211 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thời gian qua, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT... đề nghị tạm dừng thu phí và miễn phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.
Việc tạm dừng thu phí nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, tạm dừng thu phí tại các trạm trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ; trong đó có việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC).
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự thuận tiện, lợi ích, văn minh, tiết kiệm. Tuy nhiên, đến nay, công việc này chưa đạt yêu cầu đề ra.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cần quyết liệt hơn nữa, khẩn trương lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đối với các trạm thu phí còn lại; từ nay đến hết tháng 11, hoàn thành ký hợp đồng, chọn được nhà thầu.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay trong quý 1/2022, tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại một làn thu phí có dừng (thu thủ công); tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN