Doanh nghiệp Việt tăng tích trữ tiền mặt trong đại dịch COVID-19

Bất chấp dịch Covid-19, lượng tiền (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm) của nhiều doanh nghiệp vẫn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. 
Trong bối cảnh dại dịch Covid-19 vẫn phức tạp khiến cho nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực nhất định về dòng tiền đầu tư, sản xuất kinh doanh và trả nợ vay.
Chính vì vậy, việc sở hữu lượng tiền mặt khủng được đánh giá an toàn trong mùa dịch, không chỉ giúp giảm rủi ro tài chính, chủ động trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong đầu tư khi cơ hội xuất hiện.
Thống kê từ BCTC quý 2/2021 của các doanh nghiệp đang niêm yết (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) cho thấy, bất chấp dịch Covid-19, lượng tiền (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn dưới 1 năm) của nhiều doanh nghiệp vẫn lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiep Viet tang tich tru tien mat trong dai dich COVID-19
 Các doanh nghiệp vẫn ưu tiên trữ tiền mặt lớn.
Theo đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp đứng đầu danh sách với 33.191 tỷ đồng tiền mặt, chiếm tới gần 60% tổng tài sản, trong đó đa số là tiền gửi ngân hàng.
Thực tế những năm trước đó, ACV luôn duy trì lượng tiền mặt trên dưới 50% tổng tài sản, chỉ tính riêng lãi tiền gửi cũng mang về mỗi năm cho công ty hàng nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ACV có gần 15.600 tỷ đồng nợ vay dài hạn chủ yếu từ nguồn vốn ODA bằng ngoại tệ để đầu tư các dự án quy mô lớn tại nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Nội Bài.
Không kém cạnh ACV, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận lượng tiền lên đến 33.072 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản tiền mặt nói trên chỉ chiếm khoảng 8% tổng tài sản của Vingroup tại ngày 30/6.
Ông lớn trong ngành khí là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, GAS) có tới 31.598 tỷ đồng tiền mặt, chiếm hơn 42% tổng tài sản. Tỷ lệ tiền/tổng tài sản của doanh nghiệp này thường xuyên duy trì ở mức trên 40%.
6 tháng đầu năm, GAS có hơn 405 tỷ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng. Riêng trong năm 2020, lượng tiền lãi thu về là 1.528 tỷ đồng. Với việc liên tục kinh doanh có lãi và lượng tiền mặt lớn, PV Gas luôn đảm bảo được việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ khoảng trên 20% cho các cổ đông.
Ngoài PV Gas, 2 doanh nghiệp khác cùng thuộc lĩnh vực dầu khí nằm trong danh sách trên là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) và CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) có trên 17.000 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ như Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng có tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 18.142 tỷ đồng cuối quý 2, tăng mạnh so với con số 14.827 tỷ đồng cuối quý 2 và 15.405 tỷ đồng thời điểm đầu năm nay.
Ngay từ khi đại dịch diễn ra vào đầu năm ngoái, MWG đã tăng tích trữ tiền mặt của mình, lượng tiền mặt tăng thêm của MWG một phần đến từ lợi nhuận tiếp tục được giữ vững.
Với Hòa Phát (HPG) với kết quả kinh doanh khả quan và đã hoàn thành dự án Dung Quất giai đoạn 1 nên liên tục tăng lượng tiền mặt và tiền gửi trong 3 quý gần đây lên 31.850 tỷ đồng, tăng 27% so với quý 1 và 45% so với cuối năm 2020.
Ngoài ra còn có những cái tên quên thuộc như Vinamilk (VNM), FPT (FPT), Sabeco (SAB), VEAM (VEA)... Điểm chung của các doanh nghiệp này là sở hữu lượng tiền lớn cả về số tuyệt đối (trên 15.000 tỷ đồng) và cả tỷ lệ trong tổng tài sản. Vì vậy, đây cũng là những doanh nghiệp lớn thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao bằng tiền mặt.
Tương tự như Vinamilk, các công ty con trực tiếp và gián tiếp trong hệ thống đều duy trì tỷ lệ tiền trên tổng tài sản ở mức rất cao như GTNFoods (GTN) 60% hay Mộc Châu Milk (MCM), Vilico (VLC) trên 70%.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN