ĐHĐCĐ Vingroup: Bán xe điện, cho thuê pin, mục tiêu 15.000 ôtô tại Mỹ năm tới

Tập đoàn dự kiến sẽ bán 15.000-16.000 xe điện tại Mỹ trong năm sau. Mảng bất động sản công nghiệp vẫn đang được tập đoàn mở rộng. 
Sáng 24/6, Vingroup (HoSE: VIC) họp cổ đông thường niên 2021 trình kế hoạch doanh thu thuần 170.000 tỷ đồng (7,4 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và giảm 1% so với kết quả năm 2020.
Theo đại diện ban tài chính tập đoàn, dù công ty con Vinhomes đặt mục tiêu lãi tăng 20-25% nhưng Vingroup có nhiều mảng kinh doanh khác vẫn trong giai đoạn đầu tư. Do đó, kế hoạch 2021 đi ngang so với năm trước.
Năm nay, tập đoàn sẽ phát triển theo 3 trụ cột chính là công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ. Trong đó VinFast dự kiến ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu xe ôtô thông minh (VF e34, VF35 và VF36), nhằm giữ vững thị trường nội địa và đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế.
Chia sẻ về mảng kinh doanh xe điện, ông Phạm Nhật Vượng cho biết trên góc nhìn của nhiều người đây là điều cần lo lắng và không dễ dàng, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam nói chung và Vingroup nói riêng thay đổi tầm vóc. 
DHDCD Vingroup: Ban xe dien, cho thue pin, muc tieu 15.000 oto tai My nam toi
 Phiên họp thường niên 2021 của Vingroup, sáng 24/6. Ảnh: L.H
Với xe máy điện, tập đoàn nắm 15% thị phần trong tổng số 300.000 xe bán ra tại Việt Nam trong năm trước. Với ôtô điện, tập đoàn nhắm tới xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tại Mỹ, tổng số xe điện chỉ chiếm 2% thị phần, trong khi tổng số lượng xe bán ra mỗi năm 16-18 triệu chiếc. Nếu có thể chiếm 1% thị phần, con số này với Vingroup là rất khả quan.
Năm 2026, tập đoàn dự định sẽ bán hàng trăm nghìn xe ôtô điện tại Mỹ. Riêng năm tới, kế hoạch từng là bán 50.000-60.000 xe nhưng do tình trạng thiếu chip, con số này được điều chỉnh xuống khoảng 15.000 chiếc.
Theo ông Vượng, định hướng kinh doanh của Vingroup là người dùng sẽ đi thuê pin thay vì phải sở hữu. Tập đoàn sẽ cho thuê pin và phí nạp điện bằng chi phí khách hàng trả cho xăng. "Nếu một chiếc xe hạng B tiêu tốn chi phí xăng 2.000 đồng/km. Mức cho thuê pin và sạc điện sẽ tương tự, khách hàng chạy đến đâu, trả tiền đến đó".
Chủ tịch Vingroup đánh giá ôtô điện có 3 lợi thế. Thứ nhất là rẻ hơn, nếu bỏ pin. Thứ hai là chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp hơn, tối đa chỉ bằng 50% xe xăng. Thứ ba là thông minh hơn. Do đó, cạnh tranh giữa xe điện và xe xăng rất khả thi.
Người đứng đầu Vingroup cũng nhận xét nhược điểm của xe điện hiện nay là khả năng chạy tương đối hạn chế, khoảng 300-350 km cho một lần sạc với từng loại xe. Tuy nhiên, tình trạng này đã được khắc phục bằng công nghệ sạc siêu nhanh. Với 20 phút, pin có thể được sạc 80% và chạy thêm 200km. Mọi chi phí bảo dưỡng pin đều do tập đoàn chịu trách nhiệm, câu chuyện số lượng.
Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, xe của VinFast được thiết kế với tiêu chuẩn cao nhất, an toàn Euro 5 sao, có chế độ tự lái, "tính năng nào Tesla có xe VinFast cũng sẽ có". Sắp tới, tập đoàn có thể sẽ ra mắt tính năng xe tự lái cấp độ 3.
Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở, Vinhomes tiếp tục triển khai và bàn giao các dự án đại đô thị, đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống. Vincom Retail tăng thêm gần 100.000 m2 diện tích sàn bán lẻ, nâng tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trên toàn hệ thống lên 1,8 triệu m2.
Theo ông Vượng, Vingroup sẽ tạo các sản phẩm, xây dựng hệ sinh thái tốt nhất cho người mua, khẳng định lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là lý do lượng tiêu thụ của tập đoàn luôn ổn định và ít bị bị ảnh hưởng bởi nguồn cung thị trường. Về mảng bất động sản công nghiệp, công ty tiếp tục mở rộng và đang làm thủ tục cấp phép tại nhiều nơi.
Vinpearl duy trì thị trường nội địa trên đà của năm 2020 với mũi nhọn là kênh bán hàng trực tuyến và kênh doanh nghiệp, đồng thời mở rộng các thị trường trọng điểm nước ngoài để chuẩn bị đón đầu cơ hội ngay khi mở lại các đường bay quốc tế.
Chia sẻ về việc thành lập công ty Công nghệ Sinh học Vinbiocare, người đứng đầu Vingroup cho biết tập đoàn hướng tới hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ sinh học, trong đó có vaccine. "Tập đoàn xác định đây là hoạt động phi lợi nhuận, sẽ cố gắng bù đắp chi phí và có thể ủng hộ một phần, tham gia vào trước giai đoạn 3 của quá trình nghiên cứu vaccine", ông Vượng nói, sau giai đoạn 3, cơ hội để mua công nghệ sản xuất rất khó.
Vingroup sẽ chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 12,5%, phát hành ESOP tỷ lệ tối đa 0,2%
Năm trước, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 110.490 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.546 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 41% so với năm 2019 do những ảnh hưởng của đại dịch.
Trong đó, bất động sản vẫn là trụ cột chính với doanh thu tăng 12% lên 72.167 tỷ đồng. VinFast đã bán ra 31.500 ô tô và 45.400 xe máy điện, đứng đầu về doanh số xe trong tất cả các phân khúc đang hiện diện. Điện thoại thông minh Vsmart đạt doanh số bán lên tới gần 2 triệu sản phẩm.
Với kết quả đạt được, HĐQT trình phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 125 cổ phiếu mới). Với hơn 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn có kế hoạch phát hành tổng cộng 422,8 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên thành 38.052 tỷ đồng.
Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2020. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III-IV. Con số trên BCTC hợp nhất tại cuối năm 2020 của Vingroup là 4.360 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam đã dùng gần như toàn bộ lợi nhuận tích lũy để chia cổ tức.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng trình phương án phát hành cổ phiếu tối đa 0,2% vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Thời điểm phát hành không muộn hơn tháng 6/2022. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm từ ngày phát hành.
Tập đoàn cũng tiến hành bầu lại nhiệm kỳ mới 2021-2026 với số lượng thành viên HĐQT là 9 người.
Theo NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN