Đế chế ôtô Thaco chen chân vào đâu khi thị trường xe máy đã bão hoà?

Thị trường xe máy dần dần bão hoà, 5 “ông lớn” mảng xe máy Việt Nam đang đuối sức, thế nhưng một “đế chế” ô tô lâu năm là Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương quyết tâm nhảy vào thị trường này. Thaco sẽ “chen chân” vào đâu trong cuộc chiến mới này?

Cuối tháng 2, Công ty TNHH Sản xuất Xe Mô tô Thaco (Thaco Motorcycle) đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam.

Dù chưa có công bố cụ thể nhưng động thái này cho thấy Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương có thể sẽ tham gia vào thị trường sản xuất xe máy sau một thời gian dài sản xuất - kinh doanh ô tô, máy nông nghiệp…

THACO Motorcycle có vốn điều lệ 10 tỷ đồng do Thaco sở hữu 100%, đặt trụ sở chính tại Khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô Chu Lai Trường Hải. Ngành nghề kinh doanh chính được đăng ký là sản xuất mô tô, xe máy.

Đây là một chuyến dấn thân mới của tỷ phú Trần Bá Dương, sau khi tham gia vào ngành ô tô, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao...

Thaco hướng tới hệ sinh thái công nghiệp đa ngành

Thaco đang thực hiện chiến lược đa ngành trong đó xác định Ôtô và Cơ khí là chủ lực cùng 2 lĩnh vực chính: Nông nghiệp và Đầu tư Xây dựng, 2 lĩnh vực hỗ trợ: Logistics và Thương mại Dịch vụ.

Hiện Thaco chưa công bố kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019. Theo kỳ báo cáo tài chính bán niên gần nhất, tập đoàn của tỷ phú Trần Bá Dương đạt doanh thu thuần 26.836 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.807 tỷ đồng sau 6 tháng đầu 2019.

De che oto Thaco chen chan vao dau khi thi truong xe may da bao hoa?
Tỷ phú Trần Bá Dương 

Trong thông điệp năm 2020, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương đặt mục tiêu cho mảng ôtô với doanh số bán hàng trong nước đạt trên trên 100.000 xe, bao gồm: hơn 70.000 xe du lịch Kia, Mazda, Peugeot, BMW/MINI và hơn 30.000 xe tải, bus và  minibus với doanh thu ước đạt 70.000 tỷ đồng và doanh số xuất khẩu trên 1.200 xe các loại với tổng giá trị xuất khẩu ôtô đạt trên 50 triệu USD.

Trong mảng nông nghiệp, Thaco đặt mục tiêu chung là tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về chủng loại, quy hoạch vùng trồng cho cây ăn trái kết hợp nông trại chăn nuôi bò nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất hữu cơ, có quy mô lớn, được cơ giới hóa tối đa, xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản vận chuyển, chế biến và tiêu thụ với đối tác là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG).

Thaco cũng sẽ cùng Thủy sản Hùng Vương triển khai thực hiện nhanh chiến lược nuôi heo giống và heo thịt, đồng thời hỗ trợ tích cực doanh nghiệp này phục hồi và phát triển lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất thức ăn, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Đầu năm 2020, Thadi (Công ty nông nghiệp của Thaco) đã hợp tác chiến lược với CTCP Hùng Vương (HVG) để phát triển thêm mảng chăn nuôi. Theo nội dung hợp tác chiến lược được ký vào ngày 9/1, Thadi sẽ sở hữu 35% vốn HVG và nắm 65% vốn trong liên doanh giữa Hùng Vương và Thadi phát triển mảng sản xuất heo giống.

Tính đến nay, Thadi đã sở hữu 24,28% vốn Hùng Vương, ứng với 53,9 triệu cổ phiếu. Năm 2020, HVG tiếp tục sẽ phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn, đối tượng chào bán dự kiến là Thaco cùng các bên liên quan.

Với mảng nông nghiệp, công ty Thadi dự kiến đạt tổng doanh thu 17.000 tỷ đồng, với mục tiêu xuất khẩu 150.000 tấn trái cây với doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng, bao tiêu cho HNG là 650.000 tấn với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng.

Dự kiến Thaco sẽ trình trình Đại hội cổ đông thường niên 2020 và triển khai nhanh chương trình tái cấu trúc theo hướng Tập đoàn - Thaco Group giữ vai trò holding và 5 tổng công ty thành viên đảm nhiệm 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Thaco có thể "chen chân" vào đâu giữa cuộc chiến của 5 "ông lớn" thị trường xe máy?

Hiện tại, giới chuyên gia đánh giá thị trường xe máy tại Việt Nam phần lớn đã bão hòa.

Theo thông tin Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), 5 thành viên bao gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha đã bán được gần 3,3 triệu xe trong năm 2019, giảm 3,87%.

Đáng lưu ý, điều này phản ánh năm đầu tiên của sự suy giảm của ngành sau 4 năm liên tiếp tăng trưởng từ mức khá đến tốt (với tốc độ tăng trưởng dao động từ 3,5% đến 9,5% trong giai đoạn 2015-2018).

Mặc dù thị trường xe máy giảm 3,87% trong năm 2019, sản lượng tiêu thụ của xe tay ga vẫn tiếp tục tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng tiêu thụ xe máy lên 52-55%, từ 45% trong giai đoạn 2017-2018 và danh mục kết hợp sản phẩm tốt hơn cũng giúp cải thiện tổng tỷ suất lợi nhuận.   

Xu thế sụt giảm của thị trường xe máy đã được báo trước. Nửa đầu năm 2019 của VAMM thị trường xe máy Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 5,3% về doanh số so với cùng kỳ năm 2018.

Sụt giảm nhẹ về doanh số nhưng thị trường xe máy Việt Nam vẫn tiếp tục là thị trường lớn thứ 4 thế giới, sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia.

De che oto Thaco chen chan vao dau khi thi truong xe may da bao hoa?-Hinh-2
 5 thành viên VEAM tiêu thị 3,3 triệu xe trong năm 2019.

Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết Honda đã tăng sản lượng tiêu thụ xe máy lên hơn 2,6 triệu chiếc vào năm 2019 (tăng 2% so với cùng kỳ) và tiếp tục mở rộng thị phần lên 81% (từ 75,9% trong năm 2018). Việc nỗ lực ra mắt các mẫu xe tay ga mới đã giúp Honda giành thêm thị phần.

Ví dụ, Honda hiện cung cấp 29 mẫu xe, so với 17 mẫu xe của Yamaha và 12 mẫu xe của Piaggio. Giá bán xe máy Honda dao động trong khoảng giá lớn thấp nhất là từ 18 triệu đồng trở lên, mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng.

Cho năm 2020, HSC dự báo doanh số toàn ngành sẽ đạt gần 3,3 triệu chiếc. Honda được kỳ vọng sẽ duy trì vị trí dẫn đầu với trên 80% thị phần; tương đương với sản lượng xe máy tiêu thụ là 2,6 triệu chiếc (tăng 1%).

Trong khi đó, với quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng dài hạn của mảng xe máy, HSC dự báo ngành sẽ tăng trưởng nhẹ 0,5% đạt 3,3 triệu chiếc vào năm 2021.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN