Đại hội PVR: Nhiều vấn đề “nóng” giữa nhóm quỹ PVIAM và Chủ tịch Bùi Văn Phú

Ngày 23/6 vừa qua, CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 với nhiều vấn đề trọng yếu được cổ đông quan tâm.
Mở đầu Đại hội đã có hai luồng ý kiến trái chiều về việc đưa nội dung văn bản số 201/PVIAM-KĐT của cổ đông CTCP Quản lý quỹ PVI (PVIAM) về việc cho ý kiến về Điều lệ và tài liệu họp ĐHĐCĐ của PVR năm 2022 vào chương trình Đại hội.
Theo đó, chỉ có 46,35% số cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý đưa vấn đề này vào nội dung Đại hội, trong khi có tới 53,65% tỷ lên không đồng ý. Do đó, vấn đề đầu tiên đã không được thông qua.
Tiếp đó, nhóm cổ đông CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương và PVIAM có ý kiến về việc đề nghị dừng Đại hội để xác minh việc uỷ quyền tham dự Đại hội của một số cổ đông. Tuy nhiên đoàn Chủ tịch tiếp tục chương trình Đại hội, việc cổ đông PVIAM nghi ngờ việc uỷ quyền của các cổ đông thì có thể xác minh hoặc khiếu nại, khi đó các cổ đông có liên quan sẽ chịu trách nhiệm trước Đại hội.
Dai hoi PVR: Nhieu van de “nong” giua nhom quy PVIAM va Chu tich Bui Van Phu
 
Sau khi nghe các tờ trình về kết quả kinh doanh, kế hoạch 2022... đại diện cổ đông PVIAM cho rằng, nhiều năm nay không thấy hoạt động sản xuất kinh doanh nên mong muốn được trao đổi thêm thông tin để có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển hoạt động của công ty.
Về vấn đề này, Chủ tịch PVI Bùi Văn Phú lý giải, từ nhiều năm trước và đến hiện tại côngt y đang có số dư nợ phải trả rất nhiều, công ty không còn tiền mặt, không còn dự án nào khác ngoài dự án CT10-11. Trước khi HĐQT mới về điều hàh thì HĐQT và Ban lãnh đạo cũ công ty đã ký kết rất nhiều giao dịch, hợp đồng với khách đặt mua căn hộ tại dự án CT10-11 trong đó có điều khoản vi phạm tiến độ bàn giao nhà gây bất lợi cho công ty. Nếu dự án có tiếp tục thi công trở lại thì số tiền phạt vi phạm giao dịch, hợp đồng cho khách hàng là rất lớn.
Hiện tại PVI chưa tìm ra giải pháp phù hợp nên chưa thể tiếp tục thi công xây dựng dự án, Công ty cũng không còn nguồn vốn để thi công do tình hình hoạt động không khả quan liên tiếp trong nhiều năm nên không thể huy động được nguồn tài chính nào từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài Thành viên HĐQT và các cổ đông lớn.
Ngoài ra, hàng năm công ty vẫn phải theo rất nhiều vụ kiện của các cổ đông cũng như khách hàng có liên quan đến số công nợ phải trả, cổ tức phải trả.
Ban lãnh đạo cho biết đã xem xét lại toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty từ năm 2010, 2011, 2012... thì thấy rằng Ban điều hành công ty các thời kỳ đó đã chia lãi cổ tức cho cổ đông trong khi lại đi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu của một số công ty khác không đem lại lợi nhuận cho PVR gây rủi ro mất vốn như CTCP Bình An...
Việc quyết sách các khoản đầu tư nói trên trong thời kỳ này có một phần trách nhiệm của các thành viên HĐQT lúc bấy giờ trong đó có cổ đông PVIAM.
Đối với dự án Tản Viên, UBND TP Hà Nội đã có văn bản thu hồi dự án, hiện công ty vẫn đang hoàn thiện hồ sơ liên quan để gửi đơn khiếu nại.
Đến phần bầu cử Thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2027, cổ đông nhóm CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương và PVIAM tiếp tục đề nghị xác nhận lại cổ đông tham gia đề cử, ứng cử và cho rằng đoàn chủ toạ làm sai quy định của luật doanh nghiệp.
Tuy nhiên cuối cùng đại hội vẫn thông qua tất cả các tờ trình với tỷ lệ đồng ý không được tuyệt đối với 60,82%, còn lại 39,18% đều phủ quyết tất cả các tờ trình. Trong đó, về tình hình kinh doanh, PVR ghi nhận doanh thu chỉ hơn 500 triệu đồng và tiếp tục chìm trong thua lỗ với 5 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ gần 6 tỷ đồng của năm trước nhờ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính.
Năm 2022, PVR đặt mục tiêu doanh thu 5,5 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 800 triệu đồng. PVR lưu ý, kế hoạch này chưa xác định đến rủi ro từ dự án Khu du lịch cao cấp quốc tế Tản Viên, dự án CT10-11 Văn Phú và trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư khác. 
Hiện Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, OGC) đang nắm giữ 6,14% vốn PVR. PVIAM nắm hơn 4,35 triệu cổ phần, CTCP Quản lý quỹ Leadvisors sở hữu 2,31 triệu cổ phần. Nhóm cổ đông này để cử ông Trịnh Quốc Bình vào HĐQT PVR nhưng không trúng cử.
Ngược lại, bên nhóm của Chủ tịch Bùi Văn Phú (nắm 2,7 triệu cổ phiếu) còn có Công ty TNHH MHD Golf nắm 2,7 triệu cổ phiếu.
Sau cùng, cổ đông đã bầu dàn HĐQT nhiệm kỳ mới gồm ông Bùi Văn Phú, Đỗ Duy Điền, Trần Ngọc Bẩy; Ban kiểm soát gồm bà Đỗ Thị Hường, Khúc Thị Thanh Trâm và Phạm Văn Quyết. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN