Chiến binh ngành thép vẫn thắng lớn giữa đại dịch COVID-19

Trong năm 2020 dịch bệnh khó khăn nhưng các chiến binh trong nhóm ngành thép, tôn mạ vẫn gặt hái được kết quả vô cùng khởi sắc, những ông lớn đầu ngành HPG, HSG, NKG còn ghi lãi kỷ lục…
 
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giữ vững vị trí dẫn đầu về quy mô khi báo cáo lãi sau thuế trong quý 4/2020 đến 4.661 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ năm trước và cũng là kỷ lục trong lịch sử của doanh nghiệp này.
Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát ghi nhận lãi ròng cao kỷ lục 13.506 tỷ đồng, tăng 78% và vượt xa mục tiêu đề ra.
Kết quả trên đạt được là nhờ Hòa Phát đưa thêm các lò cao tại Khu Liên hợp Dung Quất vào hoạt động, qua đó gia tăng sản lượng.
Giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng cao trong các tháng cuối năm cũng là một nhân tố thuận lợi. Hòa Phát đã nâng giá thép xây dựng 10 lần trong hai tháng cuối năm 2020, với mức tăng tổng cộng là 25 - 28%.
Đầu năm 2021, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất chính thức hoạt động đồng bộ cả 2 giai đoạn. Điều này cho phép Tập đoàn đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, đặc biệt là sản lượng thép cuộn cán nóng HRC. Dự kiến, Hòa Phát sẽ đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng.
Ông lớn Tập đoàn Hoa Sen (HSG) – cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong quý 1 niên độ 2020-2021 là 572 tỷ đồng, tăng 391 tỷ đồng tương ứng 216% so với cùng kỳ niên độ trước.
Theo lý giải của Tập đoàn Hoa Sen, đạt được kết quả trên là do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 477 tỷ đồng; trong đó doanh thu thuần đạt gần 9.100 tỷ đồng, tăng 2.515 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 546 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 51 tỷ đồng do dư nợ vay và lãi vay giảm.
Niên độ tài chính 2020 – 2021 (từ 1/10/2020 - 30/9/2021), Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng 1.800.000 tấn, tăng 11%; doanh thu 33.000 tỷ đồng, tăng 20%; và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Với Thép Nam Kim (NKG), công ty ngành thép này ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc trong quý 4/2020 lên mức lãi sau thuế 154 tỷ đồng, tương đương gấp 21 lần. Luỹ kế lãi cả năm ở mức 295 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty vừa đủ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong năm 2020, Nam Kim đã tiêu thụ 565.000 tấn tôn mạ, tương đương thị phần 14,37%, đứng sau Hoa Sen và Tôn Đông Á. Ở thị trường ống thép, Nam Kim bán ra 141.000 tấn, đứng thứ 6 với thị phần 5,42%.
Bên cạnh đó, Ðầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng báo lãi cả năm 2020 ở mức hơn 300 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ dù doanh thu thuần giảm 6,5% về còn 15.736 tỷ đồng.
Riêng quý 4, doanh thu thuần tăng 14% đạt 4.478 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 324,5 tỷ đồng cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2019. Lãi ròng gần 148 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 12 tỷ đồng.
SMC cho biết so với cùng kỳ năm trước, hoạt động sản xuất tăng cùng với việc hợp lý hoá, tiết kiệm chi phí sản xuất, kết hợp với sản lượng tiêu thụ tăng.
Việc sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả hơn cùng với chính sách dự trữ phù hợp làm vòng quay vốn nhanh hơn tạo hiệu quả. Bên cạnh đó biến động tăng về giá cả và duy trì ở mức cao của nguyên liệu cũng tạo nên hiệu quả.
Thép Việt Ý (VIS) cũng đã có kết quả kinh doanh tích cực khi đã có lãi trong năm nay với mức lãi 30 tỷ đồng.
Được biết tình hình kinh doanh khởi sắc là do công tác nhận định, đánh giá thị trường tương đối tốt vì vậy các giao dịch mua bán nguyên vật liệu đầu vào đều bám rất sát theo biến động lên xuống của thị trường.
Công tác quản trị hàng tồn kho cũng thu được hiệu quả tốt hơn so với các kỳ trước, hạn chế phát sinh tình trạng chênh lệch giữa giá sổ sách của hàng tồn kho với giá trị trường có thể thực hiện được. Kết quả là công ty đã được hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho làm tăng lợi nhuận trong kỳ.
Chien binh nganh thep van thang lon giua dai dich COVID-19
 Ngành thép sẽ là điểm sáng cho năm 2021.
Ngành thép được dự báo bùng nổ vào năm 2021
Báo cáo về ngành thép của SSI cho rằng, tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020.
Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.
Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn: Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển.
Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021. Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021.
Do đó, SSI ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu
Giá tăng có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn, nhưng có khả năng đảo chiều: Giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung.
Tuy nhiên, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020). Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường.
Triển vọng dài hạn, SSI khá lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành thép. Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới.
Chứng khoán VNDirect nêu nhận định rằng ngành Vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.
Theo ước tính của nhóm chuyên gia VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.
Riêng đối với thép xây dựng, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt 6.400 tỷ đồng trong năm nay. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này đến năm 2023, giá trị tiêu thụ thép xây dựng có thể đạt tới 14.800 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán này dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng năm 2021 sẽ tăng khoảng 10-12% nhờ vào đẩy mạnh đầu tư công, cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở nóng trở lại do lãi suất giảm và nguồn cung mở mới cao hơn.
Về giá nguyên vật liệu đầu vào trong năm 2021, VNDirect ước tính giá quặng sắt bình quân sẽ giảm xuống quanh 85 USD/tấn (tương đương giảm 10,5%). Mặt khác, giá than cốc và thép phế liệu bình quân cả năm sẽ tăng lên 135 USD/tấn (tương đương tăng 12,5%) và 280 USD/tấn (tương đương tăng 3%) trong năm 2021. Do đó, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép xây dựng sẽ tăng 1-1,5 điểm% trong năm nay.
Đáng chú ý, theo nhìn nhận của nhóm chuyên gia, các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021.
"Mặc dù đại dịch Covid-19 đã phủ bóng lên triển vọng thị trường thép nội địa nửa đầu năm 2020, các nhà sản xuất thép lớn với khả năng quyết định giá, sở hữu tài chính tốt và lợi thế sản xuất theo quy mô đã nắm bắt cơ hội này để giành lấy thị phần", báo cáo cho biết, đồng thời bày tỏ quan điểm tích cực đối với Tập đoàn Hòa Phát.
Đối với mảng tôn mạ, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng 7-10% trong năm 2021 nhờ vào làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp FDI và sản lượng xuất khẩu cao hơn do nhu cầu thế giới phục hồi.
Dù vậy, VNDirect cho rằng Hoa Sen và Nam Kim sẽ gặp khó khăn về biên lợi nhuận gộp trong năm nay do tình trạng dư cung đến từ sự gia nhập của các doanh nghiệp mới dẫn đến sự cạnh tranh về giá, thêm vào đó là khả năng giảm giá của HRC.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN