Air Mekong buộc phải thanh toán cho SGN 5,5 tỷ tiền nợ sau 10 năm ngừng bay

CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) vừa nhận được quyết định thi hành án theo yêu cầu của Chi Cục thi hành án dân sự TP Phú Quốc.
Theo đó, CTCP Hàng không Mê Kông (Air Mekong) phải thi hành án buộc phải thanh toán cho SGN số tiền còn nợ hơn 5,5 tỷ đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ Luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định này.
Air Mekong buoc phai thanh toan cho SGN 5,5 ty tien no sau 10 nam ngung bay
 
Theo SGN, trước đây khi SGN còn là chi nhánh của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) có cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất cho CTCP Hàng không Mê Kông. Từ năm 2013, Air Mekong ngưng hoạt động và còn nợ SGN khoản tiền hơn 5,5 tỷ đồng.
Đến ngày 1/1/2015, SGN chính thức hoạt động theo mô hình CTCP sau khi hoàn tất cổ phần hóa và tiếp tục kế thừa thu hồi khoản nợ trên. Theo SGN, tại thời điểm 31/12/2015, thực hiện theo quy định về trích lập dự phòng, khoản nợ của Air Mekong đã được HĐQT Công ty phê duyệt trích lập 100% trên BCTC năm 2015.
Sau đó, Công ty tiếp tục theo dõi và thực hiện các thủ tục đòi nợ. Ngày 14/8/2023, Chi Cục thi hành án dân sự TP Phú Quốc đã ban hành quyết định trên.
Ngoài SGN, ACV cũng đang ghi nhận nợ xấu khoảng 26 tỷ từ Air Mekong hồi năm 2022.
Hàng không Mê Kông được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Đây là hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau Indochina Airlines và Vietjet Air. Chuyến bay đầu tiên cất cánh vào tháng 10/2010, tập trung khai thác các đường bay từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến Phú Quốc, Đà Lạt.
Tháng 3/2013, hãng ngừng bay do hoạt động liên tục gặp khó khăn dù trước đó công bố thông tin hệ số khai thác ghế vẫn lên đến 82% và đã chiếm hơn 6% thị phần nội địa.
Air Mekong từng thông tin kế hoạch bay trở lại vào đầu năm 2015, nhưng sau đó không thực hiện. Cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải rút giấy phép khai tàu bay đối với hãng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN