VCCI: Dự thảo Luật Đất đai vẫn chưa rõ quy định về condotel

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ chế độ sử dụng đất của condotel, biệt thự biển.

VCCI vừa có văn bản phải hồi đề nghị của Bộ Tư pháp về việc tham gia thẩm định Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đáng chú, theo VCCI, Mục 2 Chương XII Dự thảo quy định về các loại đất và chế độ sử dụng đất tương ứng. Tuy nhiên, rất khó để phân định đất để xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng, condotel, biển thự biển,... thuộc loại đất gì và chế độ sử dụng đất như thế nào.

Trên thực tế, có nhiều dự án nghỉ dưỡng để xây dựng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đã được cơ quan nhà nước chấp thuận cho các chủ đầu tư thực hiện theo hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở.

Tuy nhiên, theo VCCI, hiện nay, theo phản ánh của doanh nghiệp, các văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương đều dừng việc xử lý và cấp Giấy chứng nhận cho khách hàng mua sản phẩm nghỉ dưỡng trên đất ở không hình thành đơn vị ở với lý do chưa có cơ chế pháp lý quy định. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng và chủ đầu cũng như ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.

Để giải quyết những vướng mắc trong thực tế, VCCI cho rằng, Dự thảo cần quy định rõ chế độ sử dụng đất đối với các dạng bất động sản nêu trên, đồng thời quy định chuyển tiếp cho các dự án bất động sản có tính chất này trước thời điểm Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực.

Ngoài ra, theo VCCI, một số quy định tại dự thảo Luật Đất đai chưa đảm bảo tính thống nhất, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động đầu tư.

Đơn cử, theo quy định tại Điều 6 dự thảo "cá nhân người nước ngoài" không được xem là người sử dụng đất, không được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

VCCI cho rằng quy định này cần được xem xét lại để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hiện hành. Bởi, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Nhà ở 2014 thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng theo dự thảo thì lại không được thừa nhận quyền sử dụng đất.

Điều này dường như chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 "việc mua bán nhà, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất".

Mặt khác, nếu người nước ngoài bán nhà cho người Việt Nam thì người mua có được thừa nhận quyền sử dụng đất không? Vô hình trung, quyền của người mua là người Việt Nam sẽ không được đảm bảo.

VCCI: Du thao Luat Dat dai van chua ro quy dinh ve condotel
 Ảnh minh họa.

Hay theo khoản 1, Điều 64 dự thảo Luật sửa đổi quy định điều kiện đất được chọn để đấu thầu, là có quy hoạch chi tiết 1/500, đất theo quy hoạch có giá trị quyền sử dụng đất cao hơn giá trị sử dụng hiện trạng.

Tuy nhiên, khoản 7, Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị và khoản 3, Điều 24 Luật Xây dựng lại nêu, quy hoạch chi tiết do chủ đầu tư dự án lập.

Theo VCCI, giá trị quyền sử dụng đất biến động theo thời gian nên khó có căn cứ để xác định giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng được quy hoạch cao hơn giá trị quyền sử dụng đất hiện trạng. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn khi phê duyệt đất cho đấu thầu.

Ngoài ra, khoản 3, Điều 126, dự thảo quy định thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là lúc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá, đấu thầu, quyết định công nhận quyền sử dụng, gia hạn sử dụng, chuyển hình thức sử dụng, điều chỉnh quyết định giao và cho thuê đất.

Các doanh nghiệp cho rằng, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở trên là chưa phù hợp. Bởi, khi có kết quả trúng đấu thầu, nhà đầu tư có thể phải đợi rất lâu để giải phóng mặt bằng và được giao đất sạch để thực hiện dự án.

Từ đó, VCCI kiến nghị điều chỉnh lại quy định thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

 

Phương Uyên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN