Bất động sản quý III: ‘Ông lớn’ chưa xuất hiện, doanh nghiệp nhỏ lãi lớn, tồn kho cũng chất đống

Tính đến hết ngày 27/10, nhiều doanh nghiệp trong nhóm bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019 trong khi các ông lớn như Vingroup, Vinhome, Novaland,… vẫn chưa hé lộ.

Còn theo số liệu hiện tại, lãi lớn nhất thuộc về Đất Xanh, còn doanh nghiệp giảm lãi bất ngờ phải kể đến Nam Long.

Bat dong san quy III: ‘Ong lon’ chua xuat hien, doanh nghiep nho lai lon, ton kho cung chat dong
 

Nhiều doanh nghiệp giảm lãi đáng kể

CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa trong quý III/2019 khiến nhiều người bất ngờ khi lợi nhuận giảm đến 65%.

Doanh thu thuần mà Nam Long ghi nhận trong quý chỉ 389 tỷ đồng, lao dốc tới gần 71% so cùng kỳ. Giá vốn cũng tăng tương ứng nên lãi gộp còn 239,6 tỷ đồng, giảm mạnh 62%. Sau khi trừ các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế của Nam Long chỉ còn 146 tỷ đồng, giảm đến 65%.

Phía Nam Long cho biết do các dự án mới như Novia, Waterpoint, Paragon Đại Phước… đang trong quá trình xây dựng. Các dự án cũ như Valora Island, Kikyo Flora,… đã dần hoàn tất tiến độ giao nhà trong nửa đầu năm 2019 nên doanh thu giảm sút.

CTCP Đầu tư LDG (LDG) cũng nằm trong top những doanh nghiệp có lãi giảm. Theo BCTC, doanh thu trong quý của LDG giảm 27% còn 324 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó giảm 29% xuống 222 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, LDG không còn khoản thanh lý đầu tư lớn khiến doanh thu tài chính giảm 99%. Kết quả, LDG báo lãi sau thuế 150 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2018.

Còn theo BCTC hợp nhất quý III/2019 của CTCP DRH Holdings (DRH), lãi ròng chỉ vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và cũng là mức thấp nhất trong 12 quý qua, kể từ quý III/2016.

Nguyên nhân có thể đến từ việc sụt giảm lãi đến 41% xuống hơn 36,4 tỷ đồng của một đơn vị liên kết của DRH là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) trong quý III/2019. Từ nhiều quý trở lại đây, KSB đã trở thành “nguồn sống” cho DRH khi mà các dự án do DRH phát triển đến nay vẫn chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Dù cho doanh thu trong quý 3/2019 tăng đến 37% nhưng CTCP Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) vẫn báo lãi giảm đến 63% trong kỳ khi chỉ đạt 15 tỷ đồng.

Theo kết quả lũy kế 9 tháng, doanh thu cùng lãi ròng của Hưng Thịnh đều đi lùi. Theo đó doanh thu giảm 7% về mức hơn 2,406 tỷ đồng; lãi ròng giảm đến 23% so cùng kỳ, ở mức 88 tỷ đồng và chỉ vừa thực hiện được 41% kế hoạch.

Báo lãi nhiều nhưng tồn kho, vay nợ tài chính cũng phình to không kém!

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) hiện đang “chễm chệ” vị trí đầu bảng những doanh nghiệp đang có lãi nhiều nhất. Đất Xanh báo doanh thu quý 3/2019 hơn 1.457 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu mảng môi giới bất động sản tăng gần gấp đôi, đạt 1.096 tỷ đồng; doanh thu từ bán căn hộ và đất nền trong kỳ giảm mạnh 75% xuống còn 136,8 tỷ đồng; doanh thu hợp đồng xây dựng tăng 47% lên 222,2 tỷ đồng.

Với việc doanh thu môi giới tăng mạnh đã giúp lãi gộp Đất Xanh trong quý 3/2019 đạt 956 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp Đất Xanh theo đó cải thiện từ mức 43% lên 66%.

Nhờ vậy mà Đất Xanh ghi nhận gần 351 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2019, tăng 10% so cùng kỳ.

Song song với lợi nhuận khá cao, Đất Xanh cũng tăng mạnh vay nợ, phải thu ngắn hạn và tồn kho chất đống tại ngày 30/09/2019.

 Theo đó, khoản mục phải thu ngắn hạn của Đất Xanh tăng mạnh gần 50% lên mức 8.344 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 15%, lên con số 5.310 tỷ đồng, vay tài chính ngắn hạn tăng vọt 146% lên tới 1.160 tỷ đồng (do vậy chi phí lãi vay của Công ty tăng vọt 187%, lên mức gần 53 tỷ đồng trong quý III/2019).

Nằm ở vị trí á quân về lợi nhuận đến thời điểm hiện tại là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR). Theo đó, lãi ròng quý III/2019 của Phát Đạt đạt 161 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn âm 471 tỷ đồng do tăng 1.273 tỷ đồng hàng tồn kho. Đây là quý thứ 3 trong năm, dòng tiền kinh doanh của Phát Đạt âm.

Hàng tồn kho tính đến 30/09/2019 của Phát Đạt là 7.017 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Tồn kho chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng và đầu tư cho các dự án đang triển khai.

Trong đó, dự án The EverRich 2 (quận 7, TP HCM) tồn kho lớn nhất, 3.597 tỷ đồng. Dự án tồn kho lớn thứ 2 là Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội 2.399 tỷ đồng, mới phát sinh trong năm nay.

Lỗ vẫn hoàn lỗ

CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt (PVL) chưa thay đổi được tình thế trong quý III này khi doanh thu thuần chỉ vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng, giảm mạnh 62% so cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến PVL lỗ gộp gần 170 triệu đồng, thấp hơn mức 905 triệu đồng của cùng kỳ.

Thu không đủ bù chi khiến PVL báo lỗ hơn 1,7 tỷ đồng, thấp hơn mức 2,3 tỷ đồng của quý III/2018. Đây là quý thứ 3 liên tiếp PVL chìm trong thua lỗ. Tính đến ngày cuối quý III/2019, PVL đang có lỗ lũy kế tới hơn 264 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2008-2017, hoạt động kinh doanh của PVL kém hiệu quả, liên tục thua lỗ khiến nguồn vốn lưu động bị sụt giảm, thiếu vốn cho hoạt động đầu tư phát triển. Trong khi đó, Công ty vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng đối với những khoản công nợ khó đòi.

Với hàng loạt bê bối, năm 2017, PVL quyết định đổi tên từ CTCP Địa ốc Dầu khí thành CTCP Đầu tư Nhà đất Việt. Trước đó nữa, PVL tiền thân là CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower Land), thành viên của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Hai doanh nghiệp khác cũng chưa hề khởi sắc sau nhiều quý liền kề chìm ngập trong thua lỗ là CTCP Simco Sông Đà (SDA)CTCP Thương mại Hà Tây (HTT).

Theo đó, Simco Sông Đà báo lỗ gần 2.5 tỷ đồng trong khi cũng kỳ chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng; còn Thương mại Hà Tây báo lỗ gần 3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ chưa đến nửa tỷ đồng.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN