Vì sao cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh tiếp tục bị khởi tố?

Ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, tiếp tục bị khởi tố về tội danh liên quan đến một kỳ án gỗ trắc tại Đà Nẵng.

Ngày 10/9, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, cựu Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về tội "Ra quyết định trái pháp luật" theo quy định tại Khoản 2 Điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015. Quyết định khởi tố bị can trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 6) phê chuẩn.

Vi sao cuu tuong cong an Phan Van Vinh tiep tuc bi khoi to?
Cựu trung tướng Phan Vĩnh tại phiên xét xử vụ án đánh bạc ngàn tỉ ở Phú Thọ. Ảnh: Thanh Niên. 

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Trong quá trình chỉ đạo điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", ông Phan Văn Vĩnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ đạo việc ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án trái pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Ông Phan Văn Vĩnh hiện là phạm nhân đang chấp hành án phạt 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại trại giam Phú Sơn 4, Bộ Công an theo Quyết định thi hành án phạt tù số 05/2019/QĐ-CA ngày 9/1/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, ngày 31/5, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật, quy định tại điều 371 bộ luật Hình sự, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, C44 thụ lý, điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội buôn lậu, và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đã ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái với quy định của pháp luật, và trái với chỉ đạo của liên ngành tư pháp T.Ư, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 12/2011, vợ chồng bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu - là giám đốc, phó giám đốc Công ty TNHH Ngọc Hưng (H.Lao Bảo, Quảng Trị), đã làm giả hồ sơ để nhập khẩu, xuất khẩu lậu hơn 610 m3 gỗ, trị giá hơn 63 tỉ đồng. 
Vụ án này còn có 3 công chức hải quan là Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành nguyên công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị; Đỗ Danh Thắng, nguyên Chi cục trưởng Hải quan Đà Nẵng, được xác định có hành vi thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, để Liệu và Dung thực hiện hành vi buôn lậu.
Vụ án được Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phát hiện và chuyển hồ sơ cho C44 điều tra từ năm 2011, nhưng kéo dài đến nay vẫn chưa dứt điểm. Trong thời gian này, gia đình vợ chồng ông Trương Huy Liệu đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng T.Ư và địa phương kêu oan.
Hoàng Phúc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN