TP HCM: Bác sĩ túc trực ngày đêm điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng

Theo các bác sĩ Nhi khoa tại TP HCM, hàng năm phải vào tháng 9 - 10, bệnh tay chân miệng (TCM) mới vào mùa, nhưng năm nay mới đầu tháng 7 ca bệnh đã gia tăng chóng mặt.
Cố ca tăng gấp 4 lần trong vòng 1 tháng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), nếu như ngày 9/7, ghi nhận số ca mắc (TCM) nhập viện trên địa bàn tăng gấp hơn 2,5 lần, thì tới thời điểm hiện nay, số ca mắc đã tăng lên tới hơn 4 lần. Những địa bàn có số mắc TCM cao gồm: Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, 6 và quận 8.
Nơi có số trẻ mắc TCM đổ về chữa bệnh nhiều nhất vẫn là Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, các bác sĩ (BS) phải tăng ca liên tục điều trị cho các bé. Nơi này đang điều trị cho khoảng 200 trẻ mắc TCM.
TP HCM: Bac si tuc truc ngay dem dieu tri cho tre mac tay chan mieng

Khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi đồng 1 đang điều trị cho gần 200 trẻ mắc TCM, nhiều bé bị nặng và rất nặng. 

 BS Dư Tuấn Quy - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trước đây, mỗi đêm trực chỉ có 2 BS và 5 điều dưỡng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại phải tăng lên 4 BS và 6 điều dưỡng. Chưa kể lãnh đạo Bệnh viện vừa chỉ đạo, tăng cường thêm 16 BS về khoa Nhiễm - thần kinh hỗ trợ, đáp ứng việc điều trị cho trẻ. Giảm thiểu các ca quá nặng có nguy cơ tử vong.
Tại khu vực ngoại trú có 8 phòng khám cho trẻ bị TCM với khoảng 400 lượt/ngày. Khu vực nội trú số trẻ nhập viện cũng tăng nhanh nên khoa phải mở rộng thêm một tầng lầu. Hiện tại khoa đang điều trị cho 8 ca nặng cần theo dõi.
Riêng tại Khoa Hồi sức tích cực, đã dành 20/30 giường bệnh phục vụ các bé bị bệnh nặng và rất nặng. Khoa này đang điều trị 14 trẻ nặng, trong đó 11 ca phải thở máy, số ca nặng ghi nhận cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
TP HCM: Bac si tuc truc ngay dem dieu tri cho tre mac tay chan mieng-Hinh-2
 Một ca trẻ mới 6 tháng tuổi mắc TCM rất nặng, các BS Nhi đồng 1 phải tiến hành lọc máu mới cứu được bệnh nhi.
Nhiều trẻ nặng phải ở lại Bệnh viện có khi 10 ngày trong phòng hồi sức mới được ra phòng thường.
Một phụ huynh đang chăm con hơn 1 năm tuổi tại khoa Nhiễm - thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, con chị bị sốt, nổi mụt nước trong miệng, nên đưa con đến bệnh viện địa phương khám. Bé được chẩn đoán TCM độ 1, được về nhà theo dõi. Tuy nhiên, vừa về nhà được 2 giờ, bé chuyển bệnh nhanh, sốt cao, giật mình chới với, chị lại đưa con đến bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm.
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ mới 6 tháng tuổi, khi tới viện địa phương là ngày sốt thứ 4, trẻ đã chuyển sang độ 4, suy hô hấp, tím tái, trụy tim mạch và được chuyển gấp lên viện Nhi đồng 1. Để cứu bé, các bác sĩ đã phải mở nội khí quản, lọc máu liên tục.
Thông tin từ Khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, các BS tại đây cũng đang nỗ lực điều trị cho các bệnh nhi TCM. Hầu như cơ số giường bệnh khoa này đã gần kín bệnh nhi điều trị TCM.
Tăng cơ số giường bệnh, bổ sung nhân sự
Ngành Y tế TP HCM cũng nhận định, số ca bệnh TCM năm nay tại TP không quá tăng cao, nhưng nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, chuyển độ đột ngột khiến BS rất vất vả.
TP HCM: Bac si tuc truc ngay dem dieu tri cho tre mac tay chan mieng-Hinh-3
 Các BS, điều dưỡng tại Bệnh viện Nhi phải túc trực hàng đêm, tăng ca để điều trị cho trẻ mắc bệnh TCM.
Theo chỉ đạo từ Sở y tế TP HCM, tất cả các bệnh viện Nhi phải sẵn sàng phương án tăng thêm giường bệnh, bổ sung nhân sự nhằm đảm bảo điều trị kịp thời cho trẻ.
Theo BS Quy, trẻ mắc bệnh TCM quan trọng nhất là kịp thời phát hiện các triệu chứng. Bởi trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ.
Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị TCM, cha mẹ nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh, theo dõi sát. Phụ huynh không được chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng quá mức, hạn chế vượt đường xa từ tỉnh lên TP HCM khám bệnh làm ảnh hưởng trẻ. Trẻ nên khám và điều trị ở cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt nhất.
Bác sĩ Quy cũng khuyến cáo, các dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay để cấp cứu kịp thời gồm: sốt cao khó hạ, sốt trên 39 độ, sốt hơn hai ngày; trẻ giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, yếu chi; nôn ói nhiều; lừ đừ, lơ mơ; thở nhanh, thở bất thường; tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông tím. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, giật mình, …
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ngành y tế TP  đã có công văn yêu cầu các bệnh viện Nhi triển khai nhanh các biện pháp chủ động phòng, chống dịch. Sẵn sàng các phương án theo từng mức độ.
Theo đó, các bệnh viện xây dựng kịch bản ứng phó gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị. Theo phân công, các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TPvà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện tại phía Nam về công tác điều trị bệnh TCM để xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất ca tử vong.
Huyền Nga

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN