Thủ tướng yêu cầu sớm trình đề án 'Phát triển hệ thống dịch vụ logistics đến năm 2030'

Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam... 

Ngày 7/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống logistics thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản…

Tuy nhiên, so với sức sản xuất, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện nay, hệ thống logistics vẫn còn là một điểm nghẽn trong kết nối giữa sản xuất và đưa nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế nói chung, thị trường các nước láng giềng như Trung Quốc nói riêng; kết nối vận chuyển đường bộ, đường biển, hàng không theo phương thức tiêu thụ truyền thống vẫn chưa thật sự hiệu quả, các phương thức tiêu thụ thông qua thương mại điện tử còn thiếu và hạn chế dẫn đến chi phí logistics còn cao, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Thu tuong yeu cau som trinh de an 'Phat trien he thong dich vu logistics den nam 2030'

Các container xếp hàng chờ xuất khẩu tại bãi xe dành cho hàng trung chuyển xuất nhập khẩu trên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: VGP/Tuấn Dũng

Để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống logistics nhằm kết nối, sản xuất nông sản, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050";

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cụ thể hóa các nội dung Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc và các văn kiện hợp tác đã ký kết về hợp tác nông nghiệp, mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy đa dạng hóa kênh phân phối truyền thống qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics nông sản giữa các cặp cửa khẩu 2 nước, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản chính ngạch qua các sàn thương mại điện tử.

Bộ GTVT ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống vận tải gắn kết giữa các trung tâm trong hệ thống dịch vụ logistics nông sản và hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng nông sản qua đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không thuận lợi, tiết kiệm chi phí vận chuyển nội địa, chi phí logistics.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương trao đổi, làm việc với Bộ GTVT Trung Quốc, Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc và chính quyền các tỉnh giáp biên phía Trung Quốc về các giải pháp cấp thiết và trung - dài hạn, giúp tối ưu hóa chi phí, thời gian vận chuyển các mặt hàng nông, lâm, thủy sản;

Tập trung tổ chức các giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt và nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước mắt, sớm thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để tạo thuận lợi cho giao nhận hàng hóa bằng đường sắt tại cửa khẩu này.

Ngoài ra, trong quý I/2024, Bộ GTVT phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương trao đổi, làm việc phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thủ tục thông thương, nhanh chóng xây dựng đường chuyên dụng hàng hóa nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên (Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Giang) có tính kết nối các trục giao thông đang xây dựng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương, doanh nghiệp 2 nước.

Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt "Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045".

Bộ KH&ĐT rà soát cân đối, bố trí vốn phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cho các trung tâm logistics nông sản; hướng dẫn sử dụng vốn để triển khai, thực hiện có hiệu quả và đúng tiến độ các chương trình, nhiệm vụ và dự án phát triển hệ thống logistics nông sản.

Còn Bộ Tài chính tiếp tục cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản.

Theo Vũ Phạm/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN