Tiêm môi, nâng ngực làm đẹp: Hậu quả khó lường khi tới các thẩm mỹ 'chui'

Chỉ trong 1 tuần đầu tháng 8, tại Hà Nội và TP HCM có tới 3 ca biến chứng liên quan tới việc làm đẹp bằng tiêm Mesotherapy và Filler. 
Thiếu sự hiểu biết, con đường rất gần tới khoa cấp cứu tại bệnh viện
Liên quan tới vấn đề tiêm mesotherapy (Meso), ngày 6/8, Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho một nữ bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt, sưng húp mắt sau khi tiêm meso. Mục tiêu của khách này chỉ muốn được trẻ hóa, làm đẹp da. Nhưng hậu quả tai biến nặng nề là bị phù mạch do dưỡng chất tiêm và nhiễm trùng sau tiêm meso. Bệnh nhân được điều trị tích cực cùng việc theo dõi một thời gian để tầm soát các nguy cơ.
Trước đó, ngày 3/8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu cho một nữ bệnh nhân 39 tuổi bị tai biến đến mù mắt phải sau tiêm filler tại 1 cơ sở spa.
Cô gái này nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng mắt phải bị viêm màng bồ đào, tắc động mạch trung tâm võng mạc sau tiêm filler. Do thiếu thông tin, trước đó, cô đã tới hộ kinh doanh Hồng Cúc tại quận Tân Bình có biển hiệu là: "Xinh Beauty & Academy" để tiêm filler vùng trán. Đây là cơ sở spa với dịch vụ chăm sóc da.
Tiem moi, nang nguc lam dep: Hau qua kho luong khi toi cac tham my 'chui'
Một người bị tai biến vùng môi sau khi tiêm filler.
Gần đây, chiều 9/8, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM mổ cấp cứu cho cô gái 26 tuổi bị áp xe lớn ở vùng ngực sau tiêm filler với mục đích tăng kích cỡ ngực. Cô gái này bay từ Hà Nội vào TP HCM để thực hiện nâng ngực bằng filler trong một khách sạn. Sau khi tiêm 350 cc filler vào vùng ngực, cô gái bị nhiễm trùng, áp xe vùng ngực phải nhập bệnh viện gấp.
Giám đốc sở y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nói tại kỳ họp HĐND tháng 7/2023, rằng hiện có khá nhiều thách thức trong việc kiểm soát các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn. Đáng ngại hiện nay khi hoạt động thẩm mỹ "chui" đang có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ để né tránh cơ quan quản lý. Trong khi bất chấp nhu cầu để được đẹp, nhiều khách hàng không tìm hiểu kỹ thông tin nên xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Cẩn thận khi đi làm đẹp
Bác sĩ Phan Thanh Hào - Giám đốc một bệnh viện thẩm mỹ ở TP HCM nhấn mạnh: “Meso sẽ chỉ an toàn và phát huy những ưu điểm tối ưu khi được thực hiện bởi bác sĩ có đầy đủ chuyên môn, giấy phép hành nghề; được thực hiện tại cơ sở cấp phép, có quy trình chuẩn y khoa, an toàn; dưỡng chất tiêm vào da phải đảm bảo rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, và được bảo quản tốt. Nếu không đảm bảo dù chỉ 1 trong các yếu tố trên thì rất dễ có khả năng gặp biến chứng”.
Thuật ngữ mesotherapy có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, trong đó meso (nghĩa là trung bình, ở giữa) và therapy (nghĩa là điều trị y tế). Phương pháp tiêm mesotherapy (còn gọi là tiêm meso) là một kỹ thuật tiêm vi điểm ít gây xâm lấn, sử dụng mũi kim siêu nhỏ để đưa hoạt chất vào lớp biểu bì và trung bì của da. Khi thực hiện sẽ tạo nhiều điểm nhỏ đều khắp trên da, tại các điểm này chứa một lượng dưỡng chất.
Các dưỡng chất này tùy vào mục đích tiêm mà có thể là: hyaluronic acid, vitamin, enzyme, exosome, chiết xuất thực vật… để ngừa lão hóa, giảm nếp nhăn, tái tạo da làm đầy sẹo rỗ, cũng như kích thích da trắng sáng, căng bóng, mờ thâm nám. Phương pháp tiêm mesotherapy, hoạt chất được đưa trực tiếp vào da, giúp mang lại hiệu quả nhanh, rõ rệt. Do đó, nhu cầu tiêm mesotherapy của các chị em hiện nay rất cao.
Tuy nhiên nó cũng có những nguy cơ biến chứng như: bị kích ứng, dị ứng da tại chỗ gây sưng đỏ, phù nề; nhiễm trùng khu vực tiêm do quá trình không đảm bảo vô khuẩn; xuất hiện những nốt viêm dưới da do sản phẩm tiêm không đảm bảo; một số cơ địa của người tiêm dễ bị kích ứng, dị ứng với 1 vài thành phần trong sản phẩm tiêm vào da; bị xuất huyết, sưng bầm dưới da do kỹ thuật tiêm sai trúng mạch máu. Theo đó, tiêm meso an toàn phải tuân thủ đúng qui trình nghiêm ngặt.
Liên quan tới an toàn khi làm đẹp bằng tiêm filler, BS Hào chia sẻ: Thông thường đa số các biến chứng sau tiêm Filler thường ở mức độ nhẹ như: tiêm không đúng kỹ thuật khiến filler không đều, làm bề mặt da bị gồ ghề, cộm, chỗ lồi chỗ lõm gây mất thẩm mỹ; hay filler bị vón cục, bị cứng, bị chai do tiêm không đúng lớp hoặc do chất lượng filler dởm, không tan. Khi ấy cần tiêm thuốc giải. Do đó, bệnh nhân nên tìm đến những cơ sở có uy tín, có giấy phép hoạt động.
Tiem moi, nang nguc lam dep: Hau qua kho luong khi toi cac tham my 'chui'-Hinh-2
Một cơ sở làm đẹp chui tại chung cư bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện.
Theo BS Hào, riêng đối với trường hợp khi làm đẹp bằng filler gặp tai biến, tốt nhất bệnh nhân nên chọn các Bệnh viện lớn như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 115, Bệnh viện Y dược TP.HCM… nơi có các chuyên khoa về điều trị thuyên tắc để hỗ trợ điều trị hiệu quả.
“Vì vấn đề về thuyên tắc yêu cầu cần phải có những khoa chuyên sâu về mạch máu thì mới giải quyết một cách tối ưu nhất”, BS Hào nhấn mạnh.

TP HCM: Mới có 15% cơ sở thẩm mỹ chuyên khoa được Bộ y tế và sở y tế cấp phép

Hiện TP.HCM có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%). 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, trong 598 cơ sở thẩm mỹ do Bộ Y tế và Sở Y tế thẩm định và cấp phép, có 35 đơn vị thẩm mỹ do các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đảm trách (20 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ); 257 cơ sở là phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; 306 cơ sở chuyên khoa da liễu có dịch vụ thẩm mỹ. Có 6.489 cơ sở do UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ sở này hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng... 

Theo bác sĩ Phạm Văn Đảm, khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Da liễu TP HCM, chích filler ở bác sĩ có chuyên môn khác hoàn toàn với chích filler của bà chủ spa dạo.
Thông thường, người làm chuyên môn ngoài kiến thức về cấu tạo da, lớp biểu bì, hệ thống mạch máu dưới da mặt, đặc biệt là trên khuôn mặt con người có cấu tạo những hốc xoang, có thông giữa các mạch máu. Tai biến xảy ra khi người chích không có chuyên môn mà làm liều.
Bác sĩ chuyên khoa khi thực hiện kỹ thuật tiêm chất làm đầy filler sẽ dùng một loại kim là kim “đầu tù”. Theo đó có một lỗ kim nằm bên hông cây kim chứ không dùng cây kim nhọn (dùng trong tiêm tĩnh mạch hay lấy máu xét nghiệm). Khi dùng mũi kim này sẽ luồn từ dưới đầu mũi đi lên dọc sống mũi, chất làm đầy vào từ từ khi thấy mũi ưng ý theo nhu cầu của bệnh nhân rồi thì từ từ rút kim ra, như vậy mũi kim không có chọc vào mạch máu nào.
Người không có chuyên môn sẽ dùng luôn loại kim nhọn, rút thuốc trong ống rồi chích nhiều điểm dọc theo hai bên sống mũi, vô tình “phạm” phải mạch máu nằm chi chít dưới da mặt. Nếu đụng phải động mạch mũi thông với động mạch mắt, khi chất làm đầy filer được đưa vào theo mũi kim sẽ làm bít tắc động mạch mắt, không nuôi được võng mạc mắt, dẫn tới hoại tử, mắt mất thị lực, nguy cơ gây mù mắt.
Huyền Nga

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN