Thiếu sự xác tín, Herbalife VN bị nghi ngờ về sản phẩm gây suy gan cấp

Về trường hợp cô gái Ấn Độ 24 tuổi tử vong do suy gan cấp tính, Herbalife VN đưa ra bằng chứng không đủ thuyết phục người tiêu dùng.  
Theo thông tin trên Báo điện tử Kiến Thức, ấn bản mới đây của Tạp chí Gan lâm sàng và Thực nghiệm đăng tải báo cáo về trường hợp tử vong do suy gan cấp tính là một cô gái 24 tuổi ở Ấn Độ, đã uống 03 sản phẩm Herbalife trong khoảng thời gian 02 tháng.
Khi bài viết Nghi vấn uống Herbalife, cô gái 24 tuổi tử vong vì suy gan cấp tính được đăng tải, đại diện truyền thông của nhãn hàng Herbalife tại Việt Nam cho rằng bài báo trên Tạp chí Gan lâm sàng và Thực nghiệm “có rất nhiều chi tiết không chính xác nên nhãn hàng đang liên lạc với tác giả để chấn chỉnh cho đúng”. Tuy nhiên, đến nay Herbalife Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời cho Kiến Thức về việc cụ thể “quá trình làm việc này đến đâu và kết quả bước đầu ra sao”.
Thieu su xac tin, Herbalife VN bi nghi ngo ve san pham gay suy gan cap
Sản phẩm Herbalife cô gái 24 tuổi đã sử dụng liện tục trong 2 tháng 
Phản hồi thiếu chuyên nghiệp, coi thường người tiêu dùng?
Herbalife sau đó đã phát đi thông cáo báo chí, phát ngôn chính thức về vụ việc này với nội dung vỏn vẹn chưa đến 10 dòng: “Mỗi ngày, hàng triệu người tiêu dùng sử dụng an toàn các sản phẩm Herbalife Nutrition trên toàn thế giới. Chúng tôi ưu tiên hàng đầu cho việc đảm bảo chất lượng và sự an toàn của các sản phẩm dinh dưỡng của Tập đoàn. Tất cả các sản phẩm và quy trình sản xuất của chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của chính phủ về chất lượng tại 94 thị trường nơi sản phẩm của chúng tôi được bán và không có độc tố gan nào từng được tìm thấy trong các sản phẩm của chúng tôi.
Bên cạnh việc kiểm tra chất lượng định kỳ được thực hiện một cách nghiêm ngặt sáu tháng một lần tại Ấn Độ, chúng tôi đã yêu cầu một phòng thí nghiệm độc lập được Chính phủ chứng nhận kiểm nghiệm các sản phẩm được đề cập trong bài báo gần đây. Kết quả kiểm nghiệm này xác nhận các sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn an toàn và tuân thủ tất cả các quy định về an toàn thực phẩm của Chính phủ Ấn Độ.”
Trước một vụ việc sử dụng sản phẩm liên quan đến tính mạng con người, trước sự bức xúc, phẫn nộ của nhiểu người tiêu dùng Việt, Herbalife chỉ đưa ra nội dung thông cáo sơ sài như vậy, không hề có bằng chứng xác thực chứng minh độ an toàn của sản phẩm, phải chăng nhãn hàng đang quá coi thường người tiêu dùng Việt?
Sau khi Kiến Thức phản hồi về nội dung thông cáo báo chí không có cơ sở, Herbalife tiếp tục gửi đến “Giấy chứng nhận an toàn các sản phẩm Herbalife, được thực hiện bởi một phòng kiểm nghiệm độc lập”. Theo đó, Trung tâm Phân tích và nghiên cứu FICCI (FICCI Research & Analysis Center) có địa chỉ tại New Dehli, Ấn Độ, xác nhận danh sách 26 sản phẩm của Herbalife được kiểm nghiệm kim loại nặng và vi sinh vật ở ngưỡng an toàn cho con người.
Thieu su xac tin, Herbalife VN bi nghi ngo ve san pham gay suy gan cap-Hinh-2
"Giấy chứng nhận an toàn sản phẩm" được Herbalife cung cấp vô cùng sơ sài, thiếu thông tin khoa học
Chưa bàn đến việc một giấy chứng nhận cho 26 sản phẩm như vậy còn quá sơ sài về mặt thông tin và bằng chứng khoa học, thì việc lấy kiểm nghiệm độc lập như Herbalife đang làm chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng.
Thứ nhất, đối với một sản phẩm hay một nhãn hàng bị cảnh báo nguy cơ mất an toàn, hoặc có vấn đề về chất lượng sản phẩm, thậm chí liên quan đến tính mạng con người, sản phẩm đó sẽ chỉ thực sự được “minh oan” (nếu có) bởi chính cơ quan đã đưa ra cảnh báo.
Thứ hai, cho dù vụ việc cô gái 24 tuổi tử vong là ở Ấn Độ, nhưng đối với các sản phẩm TPCN/ TPBVSK đang được bán trên thị trường Việt Nam thì đơn vị duy nhất có thể xác nhận tính an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng là Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế. Các kết quả kiểm định sản phẩm TPCN/TPBVSK chỉ có giá trị khi được bên thứ ba là Cục An toàn Thực phẩm xác nhận.
Phóng viên Kiến Thức cũng đã đặt câu hỏi liệu “nhãn hàng đã liên hệ với Cục ATTP - cơ quan quản lý việc đăng ký và cấp phép các sản phẩm TPCN ở Việt Nam để được cục đảm bảo về tính an toàn cũng như chất lượng sản phẩm chưa? Thông tin kết quả làm việc (nếu có) thế nào? Hoặc nếu không liên hệ, thì lý do vì sao?” Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, Herbalife Việt Nam vẫn chưa trả lời câu hỏi này của Kiến Thức.
Không thể chấp nhận cách Herbalife phủ nhận thông tin vụ việc
Trước việc Herbalife Việt Nam phủ nhận thông tin, cho rằng báo cáo về trường hợp cô gái Ấn Độ tử vong vì suy gan cấp do uống Herbalife chưa chính xác, cũng như cách Herbalife khẳng định chất lượng sản phẩm của mình thông qua một phiếu kiểm nghiệm không rõ ràng, nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi hoài nghi.
Ông Nguyễn Thanh Quang (Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc cho rằng: “Các sản phẩm Herbalife đang bán tại Việt Nam được quảng cáo là nhập khẩu từ Mỹ. Mà theo báo chí đưa tin, báo cáo vụ việc này được đăng trong Tạp chí Gan lâm sàng và Thực nghiệm, được lưu trữ trên trang PubMed.gov, Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (US National Library of Medicine). Là sản phẩm sản xuất ở Mỹ nhưng lại bị cảnh báo ngay trên trang thông tin Y khoa uy tín của Mỹ, thì có lẽ cần phải nhìn nhận lại chất lượng sản phẩm này”.
Đồng quan điểm, bà Trần Huyền Anh (Đống Đa, Hà Nội) cũng thắc mắc: “Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm Herbalife gặp lùm xùm. Thậm chí nhiều trường hợp cũng đã được các nước lớn đưa ra cảnh báo. Vậy mà nhãn hàng vẫn lấp liếm, cho rằng sản phẩm an toàn. Như vậy có phải là quá coi thường sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng? Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải có kiểm định cụ thể về sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm tin tưởng nếu là sản phẩm thực sự tốt; hoặc cảnh báo mất an toàn nếu sản phẩm không đạt chất lượng để người tiêu dùng biết mà tránh xa”.
Kiến Thức tiếp tục thông tin về nguy cơ TPCN Herbalife gây suy gan cấp.
An Lê

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN