Thị trường bán lẻ kỳ vọng phục hồi dịp cuối năm

Động thái mới của các ông lớn bán lẻ được kỳ vọng thúc đẩy phục hồi thị trường dịp cuối năm, thời điểm mua sắm Tết cận kề.
Động thái mới của các "ông lớn" bán lẻ
Mới đây, Tập đoàn Central Retail, thương hiệu đến từ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới.
Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết, trong nửa đầu năm 2023 người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên các mặt hàng thiết yếu vẫn không giảm nhiều.
"Lương thực thực phẩm vẫn là nhu cầu thiết yếu nên dù người dùng có siết chặt chi tiêu thì hệ thống của chúng tôi vẫn tăng cường chất lượng sản phẩm trên các kệ hàng cũng như tạo ra các gói khuyến mãi, hạ giá thành nhằm kích cầu tiêu dùng", bà Vân nhấn mạnh.
Với việc rót thêm vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Central Retail cho biết sẽ nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước.
Cụ thể, kế hoạch rót thêm vốn đầu tư nhằm thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026 lên 65.000 tỷ đồng, hướng đến mục tiêu kinh doanh đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và trung tâm thương mại.
Theo tìm hiểu, thương hiệu này đang thúc đẩy chuỗi siêu thị Mini GO! tại thị trường miền Tây thời gian tới.
Tại TP.HCM, sự xuất hiện của Hùng Vương Plaza và Emart 3 được kỳ vọng sẽ mang lại thêm nguồn cung mới cho các ông lớn bán lẻ, trong bối cảnh, tỉ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại lớn không còn nhiều.
Kỳ vọng thị trường phục hồi
Nhận định về thị trường bán lẻ thời gian tới, đại diện Savills Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm 2023.
"Tại Hà Nội và TP.HCM, giá thuê bán lẻ cao cấp được ghi nhận ở mức cạnh tranh so với các thị trường khác tại Châu Á – Thái Bình Dương. Giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ cao cấp tại Hà Nội đạt mức 75 USD/m2/tháng và tại TP.HCM là 152,8 USD/m2/tháng, thấp hơn các thị trường khác như Seoul (152,8 USD/m2/tháng), Singapore (365 USD/m2/tháng) và thị trường đứng đầu là Hong Kong (787,8 USD/m2/tháng)", đại diện Savills Việt Nam nhận định và cho biết, Việt Nam luôn là điểm đến rất hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ.
"Không chỉ đối với các nhãn hàng cao cấp, các lĩnh vực bán lẻ về thời trang, hoặc các hoạt động giải trí, ăn uống vẫn ghi nhận nhu cầu lớn nhờ đặc điểm nhân khẩu học tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đang thúc đẩy nhu cầu về các chủng loại sản phẩm mới hoặc thương hiệu mới gia nhập thị trường", ông Matthew Powell, Giám đốc, Savills Hà Nội nhận định.
Ông Matthew phân tích, thực tế cho thấy, những trung tâm thương mại gặp khó khăn về khách thuê đều là những trung tâm theo mô hình truyền thống, chủ yếu tập trung vào chức năng bán hàng. Những trung tâm thu hút được khách thuê hiện nay lại là những nơi cho thấy nhiều hoạt động bán lẻ mang tính trải nghiệm hơn.
"Tại những thị trường khác như Vương quốc Anh, Châu Âu và Hoa Kỳ, mô hình trung tâm mua sắm đã dần chuyển mình theo hướng là điểm đến trải nghiệm thay vì mục đích mua sắm đơn thuần. Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để nhanh chóng học hỏi từ những kinh nghiệm đó và phát triển các mô hình bán lẻ linh hoạt. Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch là một tác nhân lớn, xúc tiến sự thay đổi của bức tranh bán lẻ toàn cầu", ông Matthew Powell đánh giá
Trong khi đó, khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi mối quan tâm trong giai đoạn khó khăn. Theo Kantar, 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
Sự thay đổi rõ nét nhất thể hiện ở việc người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà và cá nhân hóa nhu cầu; ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu; chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm và tích cực tìm kiếm các chương trình khuyến mãi.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển Kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam nhận định, số hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính tăng đáng kể so với 1 năm trước và thời điểm trước dịch COVID-19. Sự khó khăn ảnh hưởng tới tất cả các nhóm thu nhập, mặc dù nhóm hộ gia đình thu nhập cao ít bị ảnh hưởng so với mặt bằng chung. Dù vậy, người tiêu dùng có niềm tin tình hình tài chính sẽ tốt hơn trong 12 tháng tới.
"Dịp Tết năm nay, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước, họ sẽ có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng, thiếu thì mua thêm", đại diện Kantar dự báo.
Theo Liên Thượng/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN