Mã số vùng trồng: Chìa khóa mở cửa để nông sản Bà Rịa – Vũng Tàu vươn xa

Việc cấp mã số vùng trồng - mã số định danh cho một vùng sản xuất có thể xem là “chiếc chìa khóa” mở “cánh cửa” cho nông sản Bà Rịa – Vũng Tàu vươn ra thị trường thế giới.

Với yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là yêu cầu cần phải có đối với mỗi sản phẩm được tiêu thụ ra thị trường, đặc biệt là thị trường thế giới.

Một trong những yếu tố quan trọng, then chốt trong truy xuất nguồn gốc chính là vùng trồng, vùng sản xuất được cấp mã số. Mỗi vùng trồng có mã số sẽ tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng lựa chọn.

“Hộ chiếu” xuất ngoại chính ngạch

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 8 vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đã được cấp mã số.

Cụ thể, đối với thị trường xuất khẩu Trung Quốc có 3 mã số vùng trồng với diện tích 420,9 ha, gồm: vùng trồng nhãn 13,9 ha, sản lượng ước đạt 291,9 tấn/năm; vùng trồng chuối 407,12 ha, sản lượng ước 16.280 tấn/năm.

Đối với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, Úc có 2 mã vùng trồng nhãn với diện tích 24 ha, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, sản lượng ước đạt 502,1 tấn/năm.

Đối với thị trường xuất khẩu EU có 3 mã vùng trồng bưởi, với diện tích 50 ha, trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, sản lượng ước đạt 1.000 tấn/năm.

Ma so vung trong: Chia khoa mo cua de nong san Ba Ria – Vung Tau vuon xa
 Cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu của Công ty CP Cao su Thống Nhất

Ngoài ra, còn có 2 mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu, với diện tích 5.167 m2 đóng trên địa bàn hai huyện Xuyên Mộc và Châu Đức, để xuất chuối đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các mã số xuất khẩu này do HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, Công ty TNHH Thương mại Nochy, Công ty CP Cao su Thống Nhất, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài… sở hữu.

Ma so vung trong: Chia khoa mo cua de nong san Ba Ria – Vung Tau vuon xa-Hinh-2
Đoàn chuyên gia đến thăm và làm việc tại Trang trại bưởi hữu cơ Kim Long, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 

Ông Hồ Hoàng Kha, Phó Giám đốc HTX Bưởi da xanh Sông Xoài (thị xã Phú Mỹ) cho biết, HTX có 18 ha diện tích trồng bưởi của 5 hộ với sản lượng khoảng 540 tấn/năm. Để được cấp mã vùng trồng, những năm qua, ông và các hộ trong HTX đã dần chuyển đổi sang trồng bưởi theo hướng hữu cơ, thực hiện ghi chép nhật ký cây trồng, gắn mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa...

“Sau thời gian hoàn thiện hồ sơ, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài đã đáp ứng Tiêu chuẩn cơ sở về quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng quy định tại TCCS 774:2020/BVTV để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ” - ông Kha cho biết.

Ông Phan Thế Hoành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) cũng cho hay, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, dù đạt tiêu chuẩn nhưng nhãn của HTX cũng chỉ tiêu thụ tại thị trường trong nước, không thể xuất đi nước ngoài. Năm 2018, khi 29,5ha nhãn của HTX Nhân Tâm đã được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái nhãn đã được xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc. HTX cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu vào Nhật Bản.

Phát triển số lượng mã số vùng trồng

Khẳng định tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng trồng, ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm cây trồng. Đồng thời, phục vụ tốt cho công tác nội tiêu và xuất khẩu đối với nhóm cây trồng chủ lực của Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững.

Ma so vung trong: Chia khoa mo cua de nong san Ba Ria – Vung Tau vuon xa-Hinh-3
 Nông dân thu hoạch thanh long ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang lập hồ sơ đăng ký cấp 4 mã số vùng trồng thanh long trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích 57 ha; hoàn thiện hồ sơ 6 mã số vùng trồng đối với sầu riêng tại huyện Châu Đức với tổng diện tích 80 ha... Đây đều là những sản phẩm đủ điều kiện an toàn, chứng nhận VietGAP.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cử cán bộ giám sát tại các vùng trồng để vận động, tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân tiếp tục tuân thủ đúng theo các quy định của mã số vùng trồng mà chúng ta đã được cấp. Bên cạnh đó, sẽ cử cán bộ kỹ thuật đồng hành tích cực cùng nhà vườn để mở rộng hơn nữa diện tích vùng trồng, từ đó xây dựng thêm nhiều mã số vùng trồng mới nhằm tạo sản lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng nhu cầu từ các công ty, doanh nghiệp.

Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi cũng khuyến khích họ phải cam kết đăng ký mã số vùng trồng ở nơi nào thì phải thực hiện thu mua và nhận hàng tại nơi đó, tránh tuyệt đối trường hợp sử dụng mã vùng trồng nơi này, nhưng lại gắn vào sản phẩm thu mua từ nơi khác để kinh doanh”, ông Đức cho hay.

  Vì sao phải đăng ký mã số vùng trồng?
Dựa theo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu “Import Phytosanitary Requirement” đối với các mặt hàng là rau củ và trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường khó tính, yêu cầu về vùng trồng riêng cho loại hàng hóa dự kiến xuất khẩu được đăng ký và kiểm soát bởi Cơ quan Bảo vệ thực vật Quốc Gia (Cục Bảo vệ thực vật) là yêu cầu tiên quyết đầu tiên.
Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Một số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm… tại các vùng trồng.
 
Thiên Bảo – Quốc Thuận

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN