Hủy 8.300 hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng, BIDV Metlife có doanh thu thế nào?

Trong quá trình triển khai bán bảo hiểm, nhiều nhân viên ngân hàng, đại lý bảo hiểm BIDV Metlife thực hiện sai quy định...
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính vừa thông báo kết luận về việc thanh tra chuyên đề tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife. 
Hạch toán chưa đúng
Theo báo cáo thanh tra của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, về cơ bản các quy trình do Công ty BIDV Metlife ban hành quy định các nội dung liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm nói chung và đại lý bảo hiểm thuộc kênh phân phối qua BIDV đáp ứng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 12 Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Qua thanh tra chọn mẫu phát hiện 21 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.
Cụ thể, có 1 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng theo quy định của công ty về sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại; có 2 đại lý bảo hiểm và 1 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về thu thập, kê khai thông tin khách hàng do công ty ban hành; có 1 đại lý bảo hiểm cá nhân không tuân thủ quy trình khai thác, tư vấn sản phẩm bảo hiểm theo quy định của công ty.
Cùng đó, có 9 đại lý bảo hiểm và 1 nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định về kê khai, hoàn thiện hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin trong các tài liệu, hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng theo quy định của công ty; 2 đại lý bảo hiểm cá nhân chậm trễ trong việc hỗ trợ khách hàng làm thủ tục liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; 4 đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về kê khai số điện thoại trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm của khách hàng.
Trong công tác đào tạo đại lý bảo hiểm, Công ty BIDV Metlife có 3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại lý bảo hiểm nhưng căn cứ để chứng minh về kiến thức pháp luật chưa rõ ràng để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 87 Nghị định 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Huy 8.300 hop dong bao hiem ban qua ngan hang, BIDV Metlife co doanh thu the nao?
Hủy 8.300 hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng, BIDV Metlife có doanh thu thế nào? (ảnh minh họa: Internet). 
Đáng chú ý, về chi phí hoạt động đại lý liên quan đến việc bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty BIDV Metlife hạch toán là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và thuế với tổng số tiền hơn 174,2 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm: Chi phí thưởng kinh doanh, khoản thưởng theo chương trình thi đua chi trả cho đại lý bảo hiểm cá nhân là hơn 85,6 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ cố định, phụ cấp hoạt động và bảo hiểm sức khỏe cho đại lý bảo hiểm cá nhân là 33,7 tỷ đồng; chi phí dịch vụ cho các nhân viên ngân hàng là 54,8 tỷ đồng.
Kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý
Theo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiến hành rà soát các hành vi vi phạm hành chính của Công ty BIDV Metlife tại kết luận thanh tra (nếu có) để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế được giao chỉ đạo Cục thuế TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan tiến hành đôn đốc, rà soát việc Công ty BIDV Metlife thực hiện kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra. Qua đó tiến hành xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính thuế, hóa đơn (nếu có) và hướng dẫn, xử lý các trường hợp tương tự.
Cùng đó, Bộ Tài chính đề nghị Tổng Giám đốc Công ty BIDV Metlife thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2021: Hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 số tiền hơn 174 tỷ đồng nêu trên.
Đối với các khoản chi có nội dung, tên gọi, cách thức chi trả, hồ sơ chứng từ và tài liệu có liên quan tương tự như các khoản chi nêu tại kết luận thanh tra thuộc các kỳ kế toán liên quan, đề nghị Công ty điều chỉnh hạch toán kế toán, xác định, tính toán lại, kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng, không phân bổ các chi phí do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả, hạch toán không đúng theo quy định pháp luật vào các quỹ chủ hợp đồng.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Công ty BIDV Metlife cần thực hiện rà soát, tăng cường công tác quản lý việc triển khai bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện, công tác đào tạo đại lý bảo hiểm, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm, đảm bảo cán bộ đào tạo đại lý bảo hiểm phải có kiến thức chuyên môn về bảo hiểm, kiến thức pháp luật và kỹ năng sư phạm theo đúng quy định…
Đặc biệt, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
BIDV Metlife kinh doanh thế nào?
Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife được thành lập ngày 21/7/2014. Tại thời điểm kết thúc năm 2022, tổng số nhân viên của công ty là 193 người. Hoạt động chính của BIDV Metlife gồm: Kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, kinh doanh tái bảo hiểm, quản lý quỹ, đầu tư vốn theo quy định. Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện pháp luật là ông Phạm Phú Cường.
Theo kết luận thanh tra, năm 2021, Công ty BIDV Metlife triển khai bán bảo hiểm thông qua 1 tổ chức tín dụng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, doanh thu phí bảo hiểm triển khai bán thông qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng, tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí (1.565 tỷ đồng); doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua BIDV đạt 452,6 tỷ đồng, tương ứng 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới (460,3 tỷ đồng).
Năm 2021, Công ty BIDV Metlife phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4% (khoảng 8.300 hợp đồng).
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022, Công ty BIDV Metlife đạt doanh thu phí bảo hiểm là 1.758 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2021 (doanh thu 1.560 tỷ đồng). Tổng số tiền chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm ở mức 1.013 tỷ đồng. BIDV Metlife cũng chi gần 231 tỷ đồng hoa hồng bảo hiểm. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của BIDV Metlife đạt 85,2 tỷ đồng, tăng 48 tỷ đồng so với năm 2021 (chỉ đạt 37,2 tỷ đồng). Như vậy, lợi nhuận công ty đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau 1 năm.
Mặt khác, thu nhập tài chính của BIDV Metlife gồm tiền lãi từ trái phiếu, lãi tiền gửi. Cuối năm 2022, công ty có 12 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, gấp gần 3 lần so với đầu năm. Tiền gửi ngắn hạn là 1.719 tỷ đồng. Với đầu tư dài hạn, BIDV Metlife gửi có kỳ hạn 1.424 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu Chính phủ 843 tỷ đồng, trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng là 320 tỷ đồng…
Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN