Có nên mua kính râm đi nắng giá bèo?

Kính râm là vật dụng không thể thiếu đối với nhiều người mỗi khi ra đường, chính vì nhu cầu này nhiều sản phẩm kính râm được bày bán tràn lan.

Kính râm với mẫu mã đa dạng, chất liệu phong phú, từ các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng đến bình dân được bán tràn lan trên thị trường hiện nay.

Tùy từng chất lượng sản phẩm và tên nhãn hàng, giá cả cũng chênh lệch nhau rất nhiều, rẻ thì dưới 100.000 đồng/cái, đắt thì lên tới tiền triệu.

Co nen mua kinh ram di nang gia beo?
Nên cẩn trọng khi chọn mắt kính giá rẻ. 
Hàng “xịn”…. giá “mềm”?

Dạo quanh nhiều tuyến đường ở TP HCM như: Lý Chính Thắng, Kỳ Đồng, Trần Quang Diệu, Điện Biên Phủ, dọc vỉa hè Quốc lộ 1A, 13, các bến xe, dưới chân cầu vượt… phóng viên Tri thức và Cuộc sống (PV) thấy nhan nhản cửa hàng bán kính giá rẻ. Trung bình chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng/cái, “xịn” hơn là từ 50.000 – 100.000 đồng/cái.

Ghé vào một cửa hàng bán kính trên đường Trần Quang Diệu, PV được nhân viên cửa hàng ra giá 150.000 đồng/cái. Tuy nhiên, khi PV trả giá 70.000 đồng thì lập tức nhân viên này gật đầu cái rụp.

Đến một cửa hàng bán kính khác trên đường Điện Biên Phủ, PV nhận thấy tại cửa hàng này có rất nhiều loại kính mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Gucci, RayBan, Police, Shiseido... Màu sắc, kiểu dáng rất đa dạng nhưng giá lại “siêu rẻ”.

Ngỏ ý muốn mua kính đem về quê bán, PV được chủ cửa hàng nhiệt tình tư vấn: “Bạn yên tâm, ở đây có thể cung cấp giá sỉ, số lượng không hạn chế, với bất cứ mẫu mã kính nào mà thị trường đang có. Tùy vào từng loại, chất lượng mà có giá thấp nhất là 20.000 đồng/cái, cao nhất là khoảng 50.000 đồng/cái”.

Không chỉ “sôi động” ở các cửa hàng bán kính trên các tuyến đường, mà trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada... cũng rao bán tấp nập với “ma trận” giá cả, nhãn hiệu.

Các loại kính râm bình dân của các hãng trong nước như: Mắt kính Sài Gòn, mắt kính Hà Nội, Farelo… có mức giá khá mềm tùy thuộc vào chất liệu gọng kính và mắt kính.

Cụ thể, kính râm gọng nhựa, gọng kim loại được các cửa hàng online niêm yết ở mức giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt, các loại kính hàng hiệu đến từ thương hiệu có tiếng của nước ngoài như: Dolce & Gabbana (D&G), Levi's,… cũng có mức giá chênh lệch khá lớn.

Đáng lưu ý, trong phần mô tả của sản phẩm, chỉ nói là sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với mọi trang phục…. Không hề có nguồn gốc xuất xứ hay thông tin gì về thương hiệu sản phẩm.

Tác hại của kính râm rẻ tiền

Được bày bán công khai trên thị trường và gần như không được thông qua bất cứ kiểm định nào về chất lượng, các loại kính râm “rẻ, đẹp, hại mắt” dễ dàng được người tiêu dùng tìm mua mà không hay biết về tác hại của chúng.

Co nen mua kinh ram di nang gia beo?-Hinh-2
Kính giả không chống được các ánh sáng xấu gây hại cho mắt. Ảnh: Minh họa 
  

BS.CKII Phan Hồng Mai (Trưởng Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt TP HCM) cho biết, mắt là một hệ thống quang học, khi đeo kính thì kính tham gia vào hệ thống quang học của mắt, nếu chất lượng kính tốt sẽ bảo vệ mắt tốt. Nhưng trên thực tế thì vấn đề chất lượng của kính còn bị bỏ ngỏ, bởi lẽ người tiêu dùng vẫn quan tâm nhiều đến giá cả hơn chất lượng.

“Một số trường hợp phải nhập viện vì tròng kính bị vỡ gây chấn thương cho mắt. Nếu chất lượng kính không tốt, bệnh nhân nhìn sẽ mờ, gây nhức đầu và ảnh hưởng lâu dài tới mắt”, BS Phan Hồng Mai chia sẻ.

Kính râm cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông, do đeo kính sẽ hạn chế tầm nhìn cũng như lóa mắt trước ánh đèn của xe đi ngược chiều. Bởi đa phần những cặp kính râm hiện không đáp ứng yêu cầu về độ sáng. Những cặp kính màu tím thường hạn chế tầm nhìn, trong khi những cặp kính có gọng to thường che khuất tầm hoạt động của mắt.

Bí quyết chọn kính: Không ham của rẻ

Trước hết, bạn không nên mua những loại kính không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, dễ gây cho người đeo cảm giác nhức đầu, chóng mặt. Những loại kính này thường là kính rẻ tiền, bày bán ở các vỉa hè.

Kính râm thường có ký hiệu A, B, C, D dán nhãn lên kính. A tương đương với loại kính màu nhạt, không đủ để bảo vệ mắt. B hấp thụ 40% ánh sáng mặt trời, thích hợp để đeo ở những nơi có ánh nắng vừa phải. Nếu sống ở nơi nắng suốt ngày, bạn nên chọn kính loại C. Còn loại D là những cặp kính có màu sẫm nhất, sử dụng trong trường hợp mắt phải thường xuyên “đối mặt” với ánh nắng chói chang.

Khi chọn mắt kính, cũng phải chọn loại mắt kính đủ che mắt ở mọi góc độ để bảo vệ mắt khỏi bụi và tia cực tím. Chọn mắt kính cũng phải phù hợp với khuôn mặt. Khuôn mặt lớn không chọn kính quá nhỏ và ngược lại. Khuôn mặt tròn, dài nên chọn mắt kính vuông hay chữ nhật. Nên chọn loại có độ cong thích hợp, sẽ làm giảm thiểu sự biến dạng của đồ vật khi mắt di động.

Một cặp kính râm tốt thường có gọng nhẹ, chắc chắn không tuột trên sống mũi. Khi đeo vào phải có cảm giác nhẹ, dễ chịu cho tai, mắt, mũi và phải hài hòa với nét mặt. Bạn không nên chọn loại gọng kính to, thô vì sẽ hạn chế tầm nhìn khi tham gia giao thông. Bản lề gọng kính phải vững chắc, chuyển động dễ dàng, khó tụt ốc hãm.

Thiên Bảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN