Vì sao SIC “quay xe” đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu MBB?

SIC vừa quyết định hủy bỏ kế hoạch mua vào 1,4 triệu cổ phiếu MBB thay vào đó là bán tới 3 triệu cổ phiếu. 
Vào tháng 12/2023, Công ty TNHH MTV SCIC (SIC), công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), đăng ký mua thêm 1,4 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB).
SIC giao dịch với mục đích đầu tư từ ngày 27/12/2023 đến ngày 25/01/2024, thông qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ tăng tỷ lệ sở hữu MBB từ 0,058% lên 0,084%. 
Tuy nhiên, điều bất ngờ là SIC vừa thông báo hủy bỏ kế hoạch do điều kiện thị trường.
Thay vào đó, SIC đã đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu MBB (tỷ lệ sở hữu 0,058%) từ ngày 17/1 đến ngày 15/2 thông qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
Ước tính tỷ lệ sở hữu hiện tại của Tập đoàn SCIC tại MBB là khoảng 9,4%.
Vi sao SIC
 
Trong khi đó, trên thị trường đóng cửa phiên ngày 15/1, cổ phiếu MBB dừng tại mức 21.450 đồng/cp, ghi nhận mức tăng gần 19% chỉ trong vòng 1 tháng qua, còn tính trong vòng 1 năm qua thì mức tăng mạnh hơn với 38,5%.
Thanh khoản cổ phiếu MBB khá sôi động khi bình quân hơn 16,3 triệu cổ phiếu được sang tên mỗi phiên.
Nhận định về MBB, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặc dù dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận so với các ngân hàng thương mại cổ phần, song tốc độ gia tăng nợ xấu của MBB cũng nhanh hơn trong quý 3/2023. Tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 50bps so với quý trước lên mức 1,9%, trong đó tỷ trọng nợ nhóm 3 và nhóm 4 có mức tăng mạnh nhất (lần lượt 56% và 37% so quý trước).
Với tốc độ gia tăng của nợ xấu, MBB cũng đã tích cực trích lập trong quý này, chi phí tín dụng tăng 50% so cùng kỳ và 20% so quý trước. Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn giảm về 122%, nhưng vẫn nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ bao phủ cao nhất hệ thống.
Điểm tích cực trong chất lượng tài sản của quý 3 là tỷ trọng nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ đã giảm về 2,97% từ mức 3,56% của quý trước. KBSV kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sẽ được kiểm soát tốt hơn trong các quý tới khi dòng tiền của khách hàng được cải thiện để hoàn thành nghĩa vụ nợ vay trong bối cảnh nền kinh tế ấm lên.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN