Trước giờ G, hơn 800 cổ đông của Ngân hàng Đông Á sẽ không có thư mời dự đại hội

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cho biết, không gửi được thư mời họp đại hội đồng cổ đông cho 824 người với nhiều lý do, trong đó lý do chính vẫn là không tìm thấy hay không đúng địa chỉ.

Theo DongABank, ngày 27/9, Ngân hàng đã gửi thư mời cho 4.727 cổ đông có tên trong danh sách cổ đông ngân hàng chốt tại thời điểm ngày 26/9.

Tuy nhiên tính đến ngày 8/10, có 824 cổ đông không gửi được thư mời. Trong danh sách này có một cổ đông tổ chức là CTCP Chứng khoán SME do thay đổi địa chỉ mới nhưng không cập nhật lại.

Về thành phần tham dự đại hội của DongABank, ngoài các cổ đông có tên trong danh sách chốt vào ngày 26/9, còn có đại diện Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ban kiểm soát đặc biệt DongABank, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đơn vị kiểm toán EY và KPMG.

Ngoài ra còn có Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á và Công ty Chứng khoán Đông Á.

DongABank sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 12/10 để bàn về loạt vấn đề nóng, nhất là phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Truoc gio G, hon 800 co dong cua Ngan hang Dong A se khong co thu moi du dai hoi
 

Lần gần nhất DongABank tổ chức đại hội cổ đông thường niên vào tháng 7/2015. Một tháng sau đó, DongABank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Sau đó hàng loạt nguyên lãnh đạo của ngân hàng này bị bắt.

Kể từ khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, cổ đông của DongABank không được chuyển nhượng cổ phần, ngân hàng này cũng không công bố báo cáo tài chính.

Theo tài liệu của DongABank, tính đến ngày 31/12/2018, ngân hàng này có lỗ luỹ kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.

Do đó, để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, bảo đảm DongABank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ đồng, ngân hàng phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tình hình hoạt động hiện nay, DongABank chỉ có thể tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.

Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, DongABank không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu vì không thể đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định.

Do đó, DongABank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.

Theo đó, DongABank dự kiến chào bán số cổ phần đủ số lượng để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật với giá 10,000 đồng/cổ phần.

Số cổ phần dự kiến phát hành sẽ được chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp việc âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng tài chính để DongABank tăng cường năng lực cạnh tranh, tiếp tục phát triển.

Hiện vốn điều lệ của DongABank trước khi dự kiến phát hành cổ phần là 5,000 tỷ đồng, tương đương 500 triệu cổ phần.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN