Thấy gì từ việc Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ?

Ngày 7/11, Bộ Tài chính Mỹ công bố Báo cáo bán thường niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ" trong kỳ đánh giá 4 quý tính đến hết tháng 6/2023.  
Việt Nam vượt qua 2 trong 3 ngưỡng tiêu chí đánh giá thao túng tiền tệ. Theo Báo cáo, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam ở mức 4,7% GDP trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2023, vượt qua mức tối thiểu là 3% mà Bộ Tài chính Mỹ đưa ra.
Thặng dư hàng hóa và dịch vụ song phương là 105 tỷ USD trong kỳ đánh giá, gấp 7 lần ngưỡng tối thiểu là 15 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất siêu hàng hóa sang Mỹ lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico (lần lượt đạt 294 và 145 tỷ USD).
Việt Nam không vi phạm tiêu chí còn lại là can thiệp thị trường ngoại hối một chiều và kéo dài. Trong 4 quý tính đến tháng 6 năm 2023, NHNN đã mua hơn 6 tỷ USD để bổ sung dự trữ ngoại hối, tương đương 1,45% GDP.
Theo nhận định của chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thông tin này tác động không đáng kể đến hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thị trường chứng khoán.
Dù bị đưa vào danh sách giám sát, khả năng Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ là rất thấp. Với đặc thù kinh tế của Việt Nam, 2 tiêu chí rất khó kiểm soát dưới ngưỡng đánh giá bao gồm thặng dư thương mại song phương và thặng dư cán cân vãng lai.
Với tiêu chí còn lại, trong bối cảnh tỷ giá đã tăng khoảng 3,3% so với đầu năm, chúng tôi cho rằng mức mua vào ngoại tệ của NHNN khó vượt ngưỡng 2% GDP trong kỳ đánh giá tới.
Thay gi tu viec My tiep tuc xac dinh Viet Nam khong thao tung tien te?
 
Trong quá khứ, Việt Nam đã từng vi phạm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn được Mỹ kết luận là không thao túng tiền tệ sau kỳ phân tích nâng cao. Do vậy, KBSV cho rằng thông tin này sẽ không tác động đáng kể đến quyết định của các nhà điều hành, qua đó NHNN có thể tiếp tục linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ và tỷ giá để ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Sau khi báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ được công bố, NHNN đã cho biết các hoạt động ngoại giao với Mỹ vẫn diễn ra thường xuyên. Qua đó, Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam cũng như việc duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô. Theo đó, thông tin này không gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng như thị trường chứng khoán. 
Thay gi tu viec My tiep tuc xac dinh Viet Nam khong thao tung tien te?-Hinh-2
 
Còn theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), một nền kinh tế sẽ được loại khỏi Danh sách giám sát khi chỉ vượt ngưỡng 1 trong 3 tiêu chí trong 2 kỳ đánh giá liên tiếp. Vì vậy, Việt Nam sẽ vẫn nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Mỹ trong kỳ đánh giá tiếp theo (4 quý tính đến tháng 12/2023).
VCSC cũng cho rằng động thái gần nhất của Bộ Tài chính Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Một số nền kinh tế đã nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Mỹ trong nhiều năm bao gồm Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nằm trong danh sách giám sát trong 15, 14 và 13 kỳ đánh giá liên tiếp, kể từ khi Bộ Tài chính Mỹ lập Danh sách giám sát mới từ tháng 4/2016).
Tuy nhiên, NHNN sẽ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Mỹ để giải quyết những quan ngại về vấn đề này. Trong những năm gần đây, NHNN và Bộ Tài chính Mỹ thông qua các cuộc thảo luận mang tính xây dựng đã đạt được những tiến bộ đáng kể và sự hiểu biết lẫn nhau.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN