Sacombank: Trích lập dự phòng rủi ro tài chính giảm mạnh

Số dư VAMC ròng của Sacombank là 1,8 nghìn tỷ đồng tính đến quý 4/2023. Năm 2023, STB đã tất toán 5,1 nghìn tỷ đồng cho VAMC và trích lập 1,5 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) đã công bố tình hình kinh doanh năm 2023 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần tăng 29% so với năm trước khi đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Ngược lại, nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm so với năm trước. Đơn cử như lãi từ dịch vụ giảm tới 50% về còn 2,6 nghìn tỷ đồng, giảm 50%. Lãi từ hoạt động khác lao dốc 88% về còn 326 tỷ đồng. Riêng lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ 4% lên mức hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm qua Sacombank chỉ trích 3,68 nghìn tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 58% so với năm trước. Do đó Sacombank lãi trước thuế 9,59 nghìn tỷ đồng, tăng 51% so năm 2022 và hoàn thành kế hoạch đề ra. Lãi ròng 7,7 nghìn tỷ đồng, cũng tăng 53% so năm trước.
Sacombank: Trich lap du phong rui ro tai chinh giam manh
 
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Sacombank ở mức 674,38 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các TCTD khác gấp 2 lần lên 50 nghìn tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên mức 482,7 nghìn tỷ đồng, đây là mức tăng thấp hơn toàn hệ thống là 13,7%. Cũng cần lưu ý rằng Sacombank không có số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến quý 4/2023.
Ở phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 12% khi đạt 510,7 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù giảm dự phòng, song nợ xấu của Sacombank cũng tăng lên 10,98 nghìn tỷ đồng, gấp 2,5 lần đầu năm. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,98% đầu năm lên 2,28%. 
Số dư VAMC ròng của Sacombank là 1,8 nghìn tỷ đồng tính đến quý 4/2023. Điều này cho thấy trong quý 4/2023, Sacombank đã tất toán 4,1 nghìn tỷ đồng cho VAMC và hoàn nhập khoảng 550 tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC.
Năm 2023, Sacombank đã tất toán 5,1 nghìn tỷ đồng cho VAMC và trích lập 1,5 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cho VAMC.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN