Những nhóm ngành này sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm

Nhóm chứng khoán cũng có triển vọng dù đang chững lại trong vòng 2 tháng giao dịch trở lại đây. Về mặt cơ bản, dư địa margin của nhóm này vẫn còn nhiều.

Nhung nhom nganh nay se dan dat thi truong chung khoan tu nay den cuoi nam

VN-Index hiện đã chuyển trạng thái về giằng co trong phạm vi 1.270-1.280 điểm. Ảnh Trọng Hiếu

Phiên đảo chiều sụt 20 điểm cuối tuần trước khiến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) phần nào bị ảnh hưởng. VN-Index đã chuyển trạng thái về giằng co trong phạm vi 1.270-1.280 điểm. Kết phiên 18/6, chỉ số này dừng tại mức 1.279 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình, với giá trị giao dịch trên HOSE ghi nhận gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch hơn 10.000 tỷ.

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 13%. Điểm trừ duy nhất là khối ngoại bán ròng rất mạnh (bán ròng tổng cộng hơn 40.000 tỷ đồng tính từ đầu năm). Tuy nhiên với môi trường lãi suất thấp, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn tích cực tham gia TTCK và đối ứng tốt lực bán ròng của khối ngoại.

Trong bối cảnh trên, đã có những cổ phiếu tăng rất mạnh, tính bằng lần, gấp nhiều lần mức tăng 13% của VN-Index và thậm chí một vài cổ phiếu vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng tiếp. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thu được lợi nhuận như kỳ vọng.

Chia sẻ về cơ hội đầu tư trong nửa cuối năm 2024, các chuyên gia chứng khoán cho rằng nhà đầu tư có thể gia tăng tỉ trọng cổ phiếu khi những chỉ báo vĩ mô cải thiện, trong đó, dòng ngân hàng vẫn sẽ có sóng và dẫn dắt thị trường. Cụ thể, dù 2024 không phải là một năm thuận lợi, song định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá thấp với P/B duy trì ở mức dưới 2, thậm chí có nhà băng còn dưới 1,5 lần. Mặt khác, các ngân hàng có CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cao vẫn hấp dẫn. Chưa kể, đó còn là câu chuyện phát hành tăng vốn.

Nhóm chứng khoán cũng có triển vọng dù đang chững lại trong vòng 2 tháng giao dịch trở lại đây. Về mặt cơ bản, dư địa margin của nhóm này vẫn còn nhiều.

Nhóm vận tải, nhóm thép cũng là một lựa chọn khi xuất khẩu tăng tốt do nhu cầu thép ở các nước phát triển khi cầu xây dựng tăng trở lại. Về dài hạn, thép được kỳ vọng hưởng lợi khi pháp lý các thị trường bất động sản được khơi thông.

Ngoài ra, nhóm dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông cũng có tiềm năng tăng trong thời gian tới nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số, xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh. Theo HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.

Triển vọng VN-Index nửa cuối năm

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định nửa cuối năm nay, TTCK có xu hướng đi lên và kỳ vọng sẽ đạt ngưỡng 1.400 điểm. Thậm chí, với câu chuyện nâng hạng, VN-Index có thể về lại vùng đỉnh cũ.

“Nhiều nhà đầu tư lo lắng thị trường đã tăng mạnh, tăng nhiều, song mặt bằng chung cổ phiếu vốn hóa lớn còn rẻ, chưa đắt lắm. Thị trường chung vẫn sẽ đi lên trong quý III và nửa đầu quý IV/2024, song nửa sau quý cuối năm nay thì thị trường có thể có một nhịp nghỉ để quan sát liệu kinh tế vĩ mô có thực sự hồi phục, cũng như đưa ra các dự báo trong năm 2025”, ông Minh nói.

Tương tự, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng nếu không có nhiều yếu tố bất ngờ khó đoán định, thị trường sẽ có xu hướng tốt và sẽ dần khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm dựa trên nhiều tín hiệu tích cực.

Điển hình như dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều và mua ròng trở lại khi FED giảm lãi suất, sức hấp dẫn trái phiếu Mỹ không còn, dẫn đến dòng vốn đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều và sẽ tìm đến thị trường có sức hấp dẫn hơn như những thị trường mới nổi, thị trường cận biên.

Khi FED giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương thế giới, trong đó có Việt Nam cũng sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành theo khuynh hướng giảm xuống cho phù hợp với mặt bằng chung trên thế giới. Khi lãi suất giảm, yếu tố tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế do chi phí vốn của doanh nghiệp rẻ hơn, dẫn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tốt hơn, nhà đầu tư sẽ mua vào để đón đầu việc này.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư mong đợi vào việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn nước rút để các cơ quan quản lý hoàn thành các cơ chế chính sách, quy trình để có thể chính thức được nâng hạng vào năm 2025. Việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tạo ra một sức hút lớn cho nền kinh tế và thúc đẩy khối ngoại mua trước để đón đầu cơ hội.

“Có thể thấy, thị trường chứng khoán vào tuần trước đã chinh phục mốc 1.300 điểm không có quá khó khăn, tăng lực cầu mua vào cải thiện và trải đều trên diện rộng. Đây là điều cho thấy thị trường 6 tháng cuối năm sẽ có xu hướng tích cực hơn”, ông Phương đánh giá.

Trong báo cáo phân tích, SSI Research cho rằng, giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm, mặc dù trong năm có thể có những thời điểm thị trường vượt được ngưỡng này. Theo phân tích của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là động lực chính giúp cổ phiếu tăng vượt trội trong năm nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất thấp, tỷ suất cổ tức cao cũng trở thành một yếu tố hấp dẫn.

"Dòng vốn nhà đầu tư cá nhân có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024, VN-Index sẽ có một số bước nhảy vọt nhờ dòng vốn này”, SSI Research dự đoán.

Cùng chung quan điểm, VNDirect nhận định xu hướng cải thiện kết quả kinh doanh trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán. Nhóm này giữ nguyên dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE là 16-18% so với cùng kỳ trong năm nay.

Theo Khánh An/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN