Nhờ đâu cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng cao và lập đỉnh?

Trong nhiều phiên giao dịch vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí rất tích cực mặc cho thị trường chung có lúc điều chỉnh sâu.
Đáng chú ý là cổ phiếu BSR tăng 5,7% chạm mốc 31.700 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi lên sàn. Tính từ đầu tháng 6, BSR đã tăng 26%, thành tích tốt nhất xét riêng cổ phiếu dầu khí trên sàn UPCoM.
Cổ phiếu BSR đã vượt ngưỡng kháng cự mạnh 30.000 đồng/cp và đang hướng tới đỉnh lịch sử 33.800 đồng/cp từng thiết lập năm 2018.
Về thanh khoản, khối lượng giao dịch của cố phiếu BSR bắt đầu tăng dần kể từ 17/5. Đặc biệt, trong 5 phiên giao dịch gần nhất, khối lượng luôn vượt trên 15 triệu cp/phiên và cao đột biến trong phiên 6/6, xấp xỉ 38,29 triệu cp, hơn gấp đôi khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên. Giá cổ phiếu tăng đi kèm khối lượng vượt trung bình cho thấy sự quan tâm rất lớn từ nhà đầu tư.
Trong 1 tháng kể từ phiên giao dịch 6/5, khối ngoại đã thực hiện mua ròng hơn 19,8 triệu cp, với giá trị giao dịch khoảng 509 tỷ đồng. Đặc biệt phiên 6/6 họ mua ròng 6,27 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch 191 tỷ đồng.
Còn trên HoSE, cổ phiếu GAS đang dẫn đầu ngành, giao dịch tại 130.000 đồng/cp (kết phiên 7/6), tăng hơn 17% so với mức đóng cửa cuối tháng 5, đây là mức giá 130.000 đồng kỷ lục của GAS tính đến thời điểm này.
Không tăng mạnh như BSR hay GAS nhưng các cổ phiếu dầu khí khác cũng đang giao dịch tích cực như PVD, PVS, PVC, PLX,… Đà tăng ở nhóm này được cho là nhờ hưởng lợi từ giá dầu thế giới đang neo ở mức cao trong 14 năm qua.
Nho dau co phieu dau khi tiep tuc tang cao va lap dinh?
 Cổ phiếu dầu khí đang được mua nhiều.
Nhờ đâu cổ phiếu dầu khí bứt tốc?
Theo Bộ Công Thương, nguồn cung cho thị trường (nhất là khu vực châu Âu) tiếp tục ảnh hưởng từ việc các nước châu Âu đã thống nhất tăng mức cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu tư Nga, trong khi tồn kho dầu thô ở Mỹ vẫn ở mức thấp.
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, cộng thêm các nỗ lực đàm phán chưa có tiến triển sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá dầu thế giới. Đồng thời, việc Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 tại Thượng Hải và Bắc Kinh cũng làm tăng nhu cầu sử dụng mặt hàng này, dẫn tới áp lực tăng giá hiện hữu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent hiện đang giao dịch ở ngưỡng 119 USD/ 1 thùng, còn dầu thô WTI là 118 USD/ 1 thùng, vẫn tiếp tục đà tăng ngắn hạn.
Tại Việt Nam, ở kì điều chỉnh gần nhất ngày 1/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu: Xăng E5RON92 tăng 602 đồng/lít lên 30,235 đồng/ lít; Xăng RON95-III tăng 921 đồng/ lít lên 31,578 đồng/ lít; Dầu Diesel tăng 841 đồng/ lít lên 26,394 đồng/ lít.
Như vậy đây là yếu tố tích cực tác động đến kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp nhóm dầu khí với đặc điểm hưởng lợi trực tiếp từ việc giá nhiên liệu neo cao trên toàn thế giới.
Tại talkshow Chọn danh mục do Báo Đầu tư tổ chức ngày 2/6, ông Trịnh Thăng Long, Giám đốc phân tích CTCK BIDV (BSC), nhận định về chu kỳ dài hạn, cổ phiếu dầu khí là nhóm cổ phiếu lớn của VN-Index. Trong nhiều năm qua, không có thông tin bất lợi, diễn biến giá đi ngang thời gian dài, mãi cho đến hơn 1 năm trước, giá dầu phục hồi trở lại, các dự án hồi phục, kỳ vọng của nhà đầu tư cũng tăng lên.
Doanh nghiệp dầu khí chia làm 3 nhóm khác nhau, các doanh nghiệp liên quan đến bán lẻ trực tiếp xăng dầu, khi giá xăng tăng thì doanh thu kỳ vọng tăng lên. Còn với nhóm doanh nghiệp khai thác, chế biến ra các sản phẩm cũng được hưởng lợi dù có độ trễ hơn nhưng tương đối gần với nguồn tiêu thụ.
Còn nhóm thượng nguồn là dịch vụ dầu khí sẽ trễ hơn, vì họ phải có dự án, tăng công suất, tăng công việc thì doanh thu mới tăng, ảnh hưởng cũng sẽ xa hơn.
Ông Long cũng cho biết thêm, tác động của giá dầu rất lớn và lan tỏa nhiều loại hàng hóa khác nhau. Nó sẽ có độ trễ nhất định, giá dầu tăng, giá phân bón tăng, người nông dân mua về để bón cho cây trồng, thực phẩm từ cây trồng lại nuôi gia súc, trở thành sản phẩm... Khi giá dầu tăng lên, người tiêu dùng sẽ dần cảm nhận thấy sức nóng của vấn đề tăng giá hàng hóa.
Nói về diễn biến tăng trưởng tích cực của nhóm cổ phiếu dầu khí, Chứng khoán Mirae Asset cho biết trong đà leo thang giá hàng hóa, hiện giá dầu đang tăng mạnh nhất trong nhóm hàng hóa phổ biến. Có độ nhạy cảm lớn với giá dầu, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đã ghi nhận kết quả rất tích cực trong quý 1.
Những doanh nghiệp đầu ngành đều có mức tăng trưởng cao, cụ thể như GAS tăng trưởng 52% doanh thu và 69% lãi sau thuế, PVS tăng trưởng 44% doanh thu và 50% lãi sau thuế. Tính chung, cả ngành dầu khí trong quý 1 vừa qua đã tăng trưởng 46% về doanh thu và 74% về LNST.
Mặt khác, Mirae Asset chỉ ra thêm đặc điểm các doanh nghiệp Dầu khí còn là nhóm các doanh nghiệp sản xuất có tỷ lệ lượng tiền lớn trên sàn. So với vốn hóa hiện tại, tỷ lệ tiền ròng/vốn hóa nhiều doanh nghiệp trên 50% như PGD, PVB, PVS, PVG. Đáng chú ý khi lượng tiền ròng của PVG cao hơn vốn hóa hiện tại với mức 184% vốn hóa.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN