Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu cách thức luật hóa xử lý nợ xấu

Chiều ngày 8/6, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu.
Trả lời câu hỏi về nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước cũng luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu.
Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên khoản nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm.
Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng.
Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết ra hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.
Ngan hang Nha nuoc se tham muu cach thuc luat hoa xu ly no xau
 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về tốc độ luật hóa sau khi triển khai Nghị quyết 42 kéo dài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ khi tổng kết, đánh giá Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm các nước đánh giá những quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu; đồng thời tham mưu đề xuất cách thức luật hóa như thế nào để ban hành luật riêng hay quy định tại các luật hoặc quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang về tình trạng các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu không đúng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về pháp lý về phân loại các nhóm nợ và khi nào thì chuyển thành nợ xấu. 
Đối với các tổ chức tín dụng phân loại nợ sai hoặc báo cáo không đúng với tình trạng của phần nợ, qua thanh tra phát hiện sẽ xử lý. Bên cạnh đó, Ngành ngân hàng có hệ thống thông tin tín dụng - là một công cụ rất là tốt để các tổ chức tín dụng có thể kiểm tra xem khách hàng có khoản nợ tổ chức tín dụng khác hay không, trên cơ sở đó phân loại nợ chuẩn xác.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN